Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Hồ Tiêu

1. Đặc điểm chung cây hồ tiêu:
Hồ tiêu là cây công nghiệp lâu năm, thân bò, rễ móc nên cần có trụ (chóe) để cây bám rễ phụ. Rễ tiêu gồm hệ thống rễ dưới mặt đất (3-6 rễ cái và nhiều rễ phụ) dùng hút nước và phân bón. Hệ thống rễ bám mọc từ đốt thân để bám vào trụ, giúp cây hồ tiêu vươn lên và cũng có khả năng hút nước, phân bón tuy khả năng này yếu hơn so với rễ mọc trong đất.
Cây hồ tiêu thích hợp với khí hậu vùng xích đạo và nhiệt đới. Nhiệt độ thích hợp trung bình 22-280C. Hồ tiêu yêu cầu lượng mưa cao từ 2000-3000mm/năm, phân bổ đều trong 7-8 tháng và cần 3-5 tháng không mưa ở cuối giai đoạn thu hoạch để phân hóa mầm hoa tốt, ra hoa tập trung. Hồ tiêu có thể trồng được trên nhiều vùng đất nhưng đất thích hợp phải là đất tơi xốp, nhiều mùn, pH 5,5-7, thoát nước tốt. Mật độ trồng thích hợp nhất của hồ tiêu từ 2000-2500 nọc/ha, đất tốt nên trồng thưa, đất xấu trồng dày hơn. Đất dốc cần bố trí hàng tiêu theo đường đồng mức để giảm bớt rửa trôi dinh dưỡng và xói mòn đất.
2. Giống
Ở Việt Nam hiện nay tồn tại ba dạng giống chủ yếu:
- Giống tiêu lá cỡ trung bình: nguồn gốc có thể từ giống Lada Belangtoeng, giống này có nguồn gốc từ Indonexia và di thực vào Việt Nam năm 1947. Từ đó, giống này có thể mang nhiều tên địa phương khác nhau: Nam Vang, Phú Quốc, Lộc Ninh, Vĩnh Linh và nhiều tên gọi khác. Giống có cỡ hạt lớn trung bình, chiều dài chùm quả trung bình 11cm.
- Giống tiêu sẻ:lá nhỏ, chùm quả ngắn, màu xanh của lá không đậm như giống tiêu Lada Belangtoeng, chiều dài chùm quả trung bình khoảng 8cm, hạt nhỏ hơn giống tiêu có cỡ lá trung bình. Giống có tên gọi theo địa phương như tiêu sẻ Lộc Ninh, tiêu sẻ Đất Đỏ, tiêu sẻ Mỡ.
- Tiêu trâu: lá lớn, chùm quả dài, hạt lớn nhưng năng suất không cao bằng hai giống tiêu lá trung bình và lá nhỏ.
- Tiêu Ấn Độ:Hiện nay giống này được ưa chuộng vì chùm quả dài, đóng hạt dày, năng suất cao, cho thu hoạch sớm, hai giống chủ lực là Panniyur và Karimunda.
3. Kỹ thuật trồng:
3.1. Vườn ươm
Phương pháp thực hiện
- Dọn sạch nền đất ở luống ươm
- Kích thước luống rộng 1m, dài 8 - 10m.
- Túi làm bầu là bì PE có kích thước 10cm x 15cm (rộng x dài), đục 8 lỗ thoát nước ở nửa dưới của bầu, phân bố thành 2 hàng và cách đáy bầu không quá 2cm.
- Hỗn hợp đất cho vào bầu:
- Sử dụng lớp đất mặt 0 - 20cm, nhặt sạch rễ cây, đá sỏi hay các vật lạ khác. Đất lấy về được phơi khô dưới nắng to sau đó đập nhỏ.
- Phân chuồng phải hoai mục.
- Phân Bacte Phytop
- Lượng đất, phân ước tính cho 1ha vườn ươm (60.000 bầu) như sau:
- Đất: 28 - 30 tấn.
- Phân chuồng: 7 - 8 tấn.
- Bacte Phytop: 100 - 120 kg.
- Vôi: 350 - 360 kg.
- Phân chuồng, Bacte Phytop và vôi được trộn đều ủ một tuần. Sau đó, trộn đều đất với phân đã ủ, rồi cho vào bầu.
- Bầu đất phải cân đối, thẳng đứng, lưng bầu không gãy khúc, xếp vào luống.
- Đóng các cọc nẹp dọc luống và giăng dây để giữ cho bầu thẳng đứng.
Phương thức nhân giống:
-Chọn cây giống có năng suất cao, chất lượng tốt, không nhiễm sâu bệnh hại.
Hom giống:
- Cành tược (dây thân): tiêu trồng từ cành tược mau cho quả lớn, thường năm thứ ba sau khi trồng, năng suất cao và tuổi thọ kéo dài 15-20 năm, tỷ lệ hom sống đạt cao (khoảng 90%).
- Cành lươn: tiêu trồng từ cành lươn cho quả chậm hơn và phải đôn tiêu, thường từ năm thứ 4 sau khi trồng. Tuy vậy cây tiêu cho năng suất cao, ổn định và lâu già cỗi.
- Giống sau khi lấy về được dùng dao sắc, cắt hết lá và rễ trước khi giâm.
- Cắt hom tiêu vào mùa mưa, trên cây mẹ 1-2 năm tuổi.
- Hom được cắt xiên phía dưới gốc, mỗi hom dài 2 đốt, vết cắt cách đốt cuối cùng 1,5 - 2cm, không sử dụng đoạn hom cách ngọn 20-25cm, cắt chừa gốc một đoạn 40-50cm và không làm tổn hại đến cây mẹ và hom giống.
- Hom tiêu cắt xong cần ươm ngay, nếu vận chuyển đi xa cần bó mỗi bó 50 hom, đặt trong thùng xốp, phun nước đều.
Xử lý hom giống và cắm hom vào bầu
- Xử lý hom giống bằng sản phẩm Bacte Phytop đậm đặc (có chứa chủng vi khuẩn đối kháng Pseudomonas sp và nấm đối kháng Trichoderma sp) để phòng các bệnh ở rễ do nấm gây ra và kích thích sự ra rễ.
- Đổ Bacte Phytop ra đĩa giấy sạch, sau khi cắt hom, chấm miệng cắt hom giống (đầu gốc, nằm trong bầu) vào sản phẩm, để 5 phút và chấm lần 2 rồi giâm vào bầu.
- Hom giống đã qua xử lý Bacte Phytop đậm đặc, đem cắm vào bầu. Mỗi bầu giâm 1 - 2 hom.
- Hom hai đốt nên cắm một đốt nằm dưới mặt đất và nghiêng một gốc 450 so với phương thẳng đứng.
Chăm sóc cây sau giâm
- Tưới nước: Ngay sau khi giâm xong, dùng bình phun sương phun nước lên các ô thí nghiệm cho cây đủ ẩm tạm thời. Sau đó, khi bề mặt bầu đã đủ ẩm thì cách 2 - 3 ngày tưới một lần tùy theo độ ẩm ở mô hình.
- Làm cỏ: Sau khi giâm một tháng, cỏ bắt đầu mọc nhiều nên lúc này chúng ta tiến hành làm cỏ. Ở giữa và xung quanh luống thí nghiệm thì nhổ cỏ cả gốc. Còn trên bầu, chỉ dùng tay ngắt nhẹ ngọn cỏ cho đứt để hạn chế khả năng cạnh tranh dinh dưỡng của chúng và hom tiêu.
- Bón Bacte Phytop: Một tháng sau khi giâm bỏ Bacte Phytop vào bầu, với lượng bón 10gam/ 5 bầu.
3.2.Vườn trồng:
Loại trụ, khoảng cách và mật độ trồng:
* Trụ sống:
Yêu cầu trụ sống:
- Sinh trưởng nhanh, khỏe, thân cứng, vỏ tương đối nhám để tiêu dễ bám.
- Bộ rễ ăn sâu để không cạnh tranh dinh dưỡng với cây tiêu.
- Ít lá hoặc tán thưa để không che ánh sáng của cây tiêu, có khả năng chịu xén tỉa nhiều lần mà không chết.
- Ít sâu bệnh hoặc không phải là cây ký chủ của sâu bệnh hại tiêu.
- Thông thường chọn cây họ đậu hoặc một số cây có thể trồng bằng cành để kịp cho tiêu leo bám.
Một số loại trụ sống được trồng làm trụ tiêu:
- Đông Nam Bộ: Keo đậu (Leucaena Leucocephala), lồng mức (Wrightia annamensis), gòn (Ceiba pentandra), giả anh đào hoặc còn lại là đỗ quyên (Gliricidia sepium) trồng với khoảng cách 2,5 x 2,5m hoặc 2,5 x 3,0m, mật độ 1.300-1.600 trụ/ha. Ngoài ra các cây như hoa sữa, núc nác (Oroxylum indicum), muồng, keo cũng có thể dùng làm cây trụ cây tiêu song ít phổ biến.
- Duyên Hải Miền Trung: Lồng mức, keo dậu, mít (Artocarpus heterophyllus) trồng với khoảng cách 2,5 x 2,5m hoặc 2,5 x 3,0m, mật độ 1.300-1.600 trụ/ha. Ngoài ra các cây như hoa sữa, núc nác (Oroxylum indicum), muồng, keo cũng có thể dùng làm trụ cây tiêu song ít phổ biến.
- Tây Nguyên: Keo dâu, giả anh đào, muồng đen (Cassia siamea), lồng mức trồng với khoảng cách 2,5 x 2,5m hoặc 3,0 x 3,0m, mật độ 1.100-1.600 trụ/ha.
* Trụ làm bằng vật liệu khác:
Bồn gạch
- Đường kính gốc: 0,8-1m
- Đường kính ngọn: 0,6-0,8m
- Chiều cao: 3,2-3,5m
- Khoảng cách: 2,0-2,5m x 2,0-2,5m
Vùng Duyên Hải Miền Trung không nên dùng trụ gạch và trụ bê tông, do khí hậu nắng nóng và mưa nhiều, địa hình hẹp và dốc, lượng mưa lớn dễ gây xói mòn.
Cần làm giàn che cho tiêu trồng mới, có thể dùng lưới che công nghiệp, lá dừa, phên tre hoặc các vật liệu che chắn nhẹ.
* Kỹ thuật trồng tiêu:
- Thời vụ trồng tiêu:
Thời vụ trồng tùy thuộc vào điều kiện khí hậu của từng khu vực, thường trồng vào đầu mùa mưa, khi đã mưa đều và kết thúc trước mùa khô khoảng 2-2,5 tháng.
Vùng:
Đông Nam Bộ tháng 6-8
Duyên Hải Miền Trung tháng 9-10
Tây Nguyên tháng 5-8
- Chọn đất trồng tiêu, làm đất, đào hố và thiết kế lô trồng:
+  Đất trồng tiêu cần tơi xốp, dễ thoát nước, không úng nước vào mùa mưa, độ dày tầng đất canh tác tối thiểu 70cm, pH của đất khoảng 5,5-7,0 là thích hợp cho cây tiêu.
+ Kích thước hố thường 30x40x40cm cho hom đơn hoặc 40x40x40cm, mỗi hố bón 7-10kg phân chuồng hoai +0,3 – 0,5 kg Bacte Phytop + 3-5 kg vôi + 200-300g phân supe lân, trộn đều với lớp đất mặt cho vào hố khoảng 20cm. Nên tiến hành đào hố và trộn phân lấp hố trước khi trồng ít nhất nửa tháng.
+ Thiết kế hệ thống tiêu nước và trồng trụ tiêu cùng lúc, khoảng 10-15m đào một rãnh thoát nước vuông góc với hướng dốc chính, rãnh sâu 15-20cm, rộng 20cm, giữa hai hàng trụ tiêu. Dọc theo hướng dốc chính, khoảng 30-40m, thiết kế một mương sâu 30-40cm, rộng 40cm, giữa hai hàng trụ tiêu, mương thẳng góc với rãnh thoát nước.
- Đặt hom và buộc dây:
Khi đặt hom tiêu vào hố cần chú ý:
+ Xé bỏ bầu PE, tránh làm vỡ bầu sau đó lấp đất và nén chặt gốc.
+ Hom đặt riêng 30-450 hướng về phía trụ tiêu, nên đặt hom (bầu) vào hướng Đông.
+ Số hom (hoặc bầu) trên một trụ: 2 hom/trụ cho trụ sống hoặc trụ bê tông và 5-6 hom/trụ cho bồn gạch xây.
Sau khi dây tiêu đã phát triển vươn tới trụ nên dùng các loại dây mềm (dây nylon) để buộc dây tiêu vào cây trụ, buộc vào vị trí ở gần đốt của dây tiêu để rễ dễ bám bào trụ, sau khi rễ đã bám chặt vào trụ cần cắt bỏ dây buộc.
- Đôn tiêu:
Tiêu trồng bằng dây lươn cây sẽ cho nhiều dây thân, cắt bỏ các dây yếu, chỉ để lại 3-4 dây khỏe trên một gốc dây lươn. Sau 12-15 tháng, các dây tiêu đạt 1,5-2m, bắt đầu cho cành mang quả, khi phần lớn các dây tiêu trên trụ mang cành mang quả cần tiến hành đôn tiêu.
Xới đất quanh trụ tiêu thành rãnh sâu 7-10cm, cách trụ 15-20cm, chọn 3-4 dây tiêu khỏe, cắt hết lá dưới cành mang quả đầu tiên 30-40cm, khoanh tròn trong rãnh sao cho cành mang quả thấp nhất cách mặt đất 30-40cm, lấp một lớp đất mỏng 5-7cm, tưới nước, khi thấy rễ nhú ra từ các đốt đôn dưới đất cần lấp thêm 3-5cm đất trộn phân hữu cơ.
- Tỉa cành, tạo tán cây trụ sống và cây tiêu trong thời kỳ kinh doanh:
Khi cây trụ sống đã lớn, tán trụ giao tán cần rong tỉa bớt cành lá để tiêu nhận đủ ánh sáng, mỗi năm rong tỉa vài lần vào mùa mưa.
Sau khi thu hoạch tiêu, đến mùa mưa cần tỉa bớt những cành tược, cành lươn mọc ra từ gốc tiêu và cành tược mọc ngoài khung thân chính, việc tỉa cành nên tiến hành vào đầu mùa mưa để tạo dinh dưỡng cho mầm hoa trong vụ tiếp theo.
Ở một số vườn tiêu có hiện tượng hoa trổ rải rác không đúng thời vụ nên cắt bỏ những hoa này để tập trung cho hoa ra hàng loạt và quả chín tập trung.
- Làm bồn, bón phân và chăm sóc:
Làm bồn:
Tạo bồn cho cây tiêu nhằm mục đích giữ phân khi bón trong mùa mưa và giữ nước trong mùa khô. Ở vùng đất dốc kỹ thuật làm bồn rất quan trọng, chỉ cần làm bồn cạn để dễ tiêu nước trong mùa mưa.
4. Phân bón:
- Nhu cầu dinh dưỡng của hồ tiêu: Với năng suất 2 tấn/ha, hàng năm cây hồ tiêu lấy đi từ đất 70kg đạm (N) + 16kg Lân (P2O5) + 42kg Kali (K2O) + 18kg Magiê (MgO) + 67kg Canxi (CaO). Các kết quả nghiên cứu trên thế giới cho thấy, với mật độ 1750 nọc/ha, mỗi năm hồ tiêu lấy đi từ  đất khoảng 250kg N + 35kg P2O5 + 205kg K2O + 45kg CaO + 20kg MgO (De Waard, 1965). Ở những cây đầy đủ dinh dưỡng, hàm lượng trong lá hồ tiêu thường dao động trong khoảng 3,1-3,4% N; 0,16-0,18% P; 3,4-4,3% K; 0,44% MgO; 1,67% CaO, luôn cao hơn so với các cây trồng khác. Điều này chứng tỏ cây hồ tiêu hút và tích luỹ nhiều dinh dưỡng hơn so với một số cây trống khác. Cây hồ tiêu có nhu cầu đạm và kali là cao nhất sau tới lân, canxi, magiê và các vi lượng khác. Hiện tại, nhiều vườn hồ tiêu ở nước ta do địa hình cao, dốc, đất có thành phần cơ giới nhẹ lại được tưới nước thường xuyên nên dinh dưỡng bị rửa trôi nhiều. Các hàng tiêu phía rìa vườn, nhất là gần đường thoát nước thường có biểu hiện thiếu kali và magiê rất rõ. Thiếu kali, lá bị khô đầu và lan hết phân nửa lá. Thiếu magiê, các lá trưởng thành chuyển màu vàng lục nhưng gân lá còn xanh.
QUY TRÌNH BÓN PHÂN
Cách bón: Xẻ rãnh nông giữa 2 nọc tiêu rồi rải phân và lấp đất hoặc chọc lỗ để bón phân hoặc xới nhẹ rồi rải. Cần lưu ý rằng rễ hồ tiêu thường ăn nông, do đó tránh xới sâu làm đứt rễ, tránh tuyến trùng và nấm bệnh xâm nhập. Ngoài ra, để hố tiêu có năng suất cao cần bón  0,3  - 0,5kg vôi / nọc/ năm.
Ngoài phân bón gốc, việc bổ sung phân bón lá rất cần thiết để hồ tiêu đậu nhiều trái, năng suất cao. Phun phân bón lá có hàm lượng đạm cao vào thời kỳ sau thu hoạch, tỉa cành nhằm kích hoạt chồi mới phát mạnh, cành vươn tốt, nhanh có hoa. Phun phân bón lá có hàm lượng Bo cao vào thời kỳ hồ tiêu ra nụ để kích thích phân hóa mầm hoa và giúp hoa nở tốt, đậu nhiều trái. Phun phân bón lá có hàm lượng kali và Magie cao vào thời kỳ bắt đầu ra hoa, sau đậu trái và dưỡng trái nhằm giúp trái lớn nhanh, to hạt, chống rụng trái.
THỜI KỲ KTCB:
Bón lót: 15-20 kg phân chuồng hoai mục/ nọc + Bacte 55: 0,1kg + Bacte-Phytop: 0,3 kg/ nọc (Trước khi trồng)
Tưới thúc: hòa tan 30-50g  NPK-20-20-15+TE , tưới 2-3 lần, cách nhau 10-15 ngày/lần nhằm giúp hồ tiêu ra rễ mạnh, phát cành khỏe.
Bón thúc:
+  Năm 1: Bacte 55: 0,3-0,5 kg/ nọc
+ Năm 2:  0,3-0,5 kg vôi/ nọc + Bacte 55: 0,4 - 0,7 kg/nọc  (chia làm 4 lần bón vào đầu-giữa-cuối mùa mưa + 1 lần vào mùa khô ) + 0,3 - 0,5kg/ nọc Bacte-Phytop (2 lần/ năm, đầu và cuối mùa mưa) +10-15 kg phân chuồng hoai mục/ nọc (cuối năm 2) + phun Bacte 02 + Bacte Siêu kali + Bacte Magie Bo
THỜI KỲ KINH DOANH (4 lần bón/ năm)
Quy trình ( bón phân 4 lần/ năm)
+ Sau thu hoạch: 0,3 – 0,5 kg vôi/ nọc + Bacte-Phytop: 0,3-0,5 kg/ nọc + Bacte 55: 0,5-0,7 kg/nọc + Bacte 02.
+ Trước ra hoa: Bacte 55: 0,3-0,4 kg/nọc + Bacte Magie Bo+ Bacte 02.
+ Sau đậu quả: Bacte 55: 0,3-0,4 kg/nọc + Bacte Kali 50: 0,2 – 0,3 kg/ nọc + phun Siêu Kali + Bacte Magie Bo.
+ Nuôi quả: Bacte Kali 50: 0,3-0,4 kg/nọc  + Bacte-Phytop: 0,3-0,5kg/nọc + phun Siêu Kali + Bacte Magie Bo.
Ghi chú: Tùy theo sinh trưởng phát triển của cây cũng như năng suất mà điều chỉnh lượng bón phân phù hợp theo từng năm.
*Cần bón cân đối giữa đạm, lân, kali, canxi, magie. Bón thừa đạm, thiếu canxi, magie là nguyên nhân cây hồ tiêu bị bệnh chết nhanh, bệnh chết chậm,...
5. Tưới nước:
Vườn tiêu mới trồng và trong giai đoạn chưa cho trái, vào mùa khô phải tưới nước và kết hợp che chắn, không nên tỉa cành cây trụ sống trong mùa khô để tạo ẩm độ trong vườn và che bóng cho cây tiêu.
Trong thời kỳ kinh doanh, sau vụ thu hoạch chỉ nên tưới nước vừa đủ để cây tiêu tồn tại, không nên tưới nhiều vì tưới nhiều cây tiêu sẽ tiếp tục sinh trưởng và ra hoa rải rác làm ảnh hưởng mùa thu hoạch kế tiếp.
6. Làm cỏ, tủ gốc:
Làm cỏ bằng tay vài lần vào đầu và giữa mùa mưa, làm sạch cỏ quanh gốc tiêu trong vòng bán kính khoảng 0,5m, không nên thường xuyên làm sạch cỏ giữa các trụ tiêu, dùng cỏ hoặc rơm rạ khô tủ quanh gốc tiêu vào đầu mùa khô để giữ ẩm.
7. Sâu bệnh hại chính và biện pháp phòng trừ:
7.1. Rệp sáp (Pseudococcus sp.):
- Là loại côn trùng nhỏ, hình bầu dục, dài 2,5-4,5mm, rộng 2-3mm. Cơ thể màu vàng hồng, bên ngoài phủ một lớp bột sáp màu trắng.
- Cách sống và gây hại: Rệp sống thành từng đám bám chặt vào chùm hoa, trái, kẽ cành hoặc mặt dưới của lá, hút nhựa cây và làm lá, trái bị héo khô. Sau một thời gian rệp hại thường thấy nấm bồ hóng đen phát triển ở những nơi có nhiều chất đường do rệp tiết ra. Ngoài việc gây hại những bộ phận trên mặt đất, rệp còn chui vào đất bám và chích hút dịch ở gốc thân, cổ rễ, rệp sinh sản rất nhanh và phát triển mạnh vào cuối mùa mưa, thường cộng sinh với nấm Bornetina sp. ở trong đất, do vậy rệp khó bị diệt bằng thuốc hóa học.
- Phòng trừ:
+ Thường xuyên theo dõi trên cây và dưới bộ rễ, đặc biệt là vào cuối mùa mưa, đầu mùa khô.
+ Khi phát hiện dùng Fenbis 10ND, Sevin 80WP, phun với nồng độ 0,15-0,2% hoặc dùng Supracide 40 EC với nồng độ 0,2%.
7.2. Các loại rầy mềm (Toxoptera sp.) và bọ xít lưới (Elasmognathus nepalensis):
- Gây hại: Rầy mềm và bọ xít lưới gây hại trên đọt non, lá, chùm hoa, chùm quả và cả trên dây tiêu.
- Phòng trừ: dùng Actara, Padan 95SP, Pyrinex 25EC phun với nồng độ 0,15-0,2%.
7.3. Tuyến trùng hại tiêu
- Triệu chứng và gây hại: tuyến trùng hại bộ rễ làm cho cây tiêu sinh trưởng kém, lá vàng, nếu bị nặng cây sẽ héo và chết, tuyến trùng thường xuất hiện và gây hại trong thời kỳ kinh doanh.
Khi tuyến trùng đục vết thương ở rễ để chích hút tạo điều kiện cho các loại nấm như Phytophthora capsici, Fusarium sp., Pythium sp. xâm nhập qua vết thương hủy hoại bộ rễ cây tiêu làm cho cây tiêu càng chết nhanh.
- Hai loài tuyến trùng thường gặp là tuyến trùng gây nốt sần (Meloidogyne incognita) và tuyến trùng đục hang (Radopholus similis), ngoài ra còn có một số loài khác ít gây thiệt hại.
- Phòng trừ:
+ Chọn các giống có khả năng kháng bệnh tốt như Lada Belangtoeng, Vĩnh Linh, Ấn Độ.
+ Làm bồn cho tiêu, không để nước chảy từ trụ này sang trụ khác.
+ Khi bón phân không làm tổn thương bộ rễ của tiêu.
+ Biện pháp hóa học: bỏ Nokaph, Vifuran, Carbosulpha
+ Biện pháp sinh học :Bón Bacte-Phytop:300-500g/ gốc/ lần (năm bỏ 2  lần vào đầu và cuối mùa mưa), kết hợp bón Bacte 55 để cây phục hồi sau khi bị bệnh.
7.4. Bệnh chết nhanh:
- Nguyên nhân: Do nấm Phytophthora sp (Phytophthora capsici và Phytophthora pamilvora) gây ra.
- Đặc điểm:
+ Nấm Phytophthora capsici xuất hiện ở tất cả các bộ phận của cây tiêu kể cả phần trên mặt đất và dưới mặt đất. Đầu tiên, có một hoặc nhiều đốm màu tối xuất hiện ở mép lá, những đốm này sau đó kết hợp lại với nhau dẫn đến rụng lá, thậm chí lá có  thể bị rụng trước khi những vết đốm này lan rộng ra khắp phiến lá. Nấm bệnh cũng có thể gây hại trên các chồi non, cành, thân, gié hoa, gié quả. Nấm sinh sản nhiều bào tử sẽ tạo thành một lớp nấm màu trắng bao phủ lên những cành non bị thối. Sự nhiễm bệnh trên nhánh gây khô và rụng lá. Thân cây tiêu bị nhiễm bệnh Phytophthora spp. sẽ bị vàng, thối và cây bị chết hoàn toàn. Sự nhiễm bệnh trên hoa gây hiện tượng hoa bị đen và rụng; quả và gié quả bị đen. Khi cây bị hại thân lá có triệu chứng héo rũ nhanh, từ khi bệnh xuất hiện đến khi cây tiêu chết hoàn toàn có thể chỉ trong vòng vài ba tuần lễ.
+ Hằng năm, bệnh thường gây hại mạnh vào thời điểm chuyển tiếp giữa mùa mưa sang mùa khô. Những trận mưa đầu mùa thường dễ gây tình trạng úng tạm thời, làm cho hoạt động sinh lý của cây bị thay đổi đột ngột, cây bị suy yếu tạo điều kiện cho nấm bệnh xâm nhiễm dễ dàng. Chế độ chăm sóc có quan hệ chặt chẽ đến quá trình xâm nhiễm gây hại của bệnh. Nếu bón thiếu phân, bón quá sát gốc làm đứt nhiều rễ, cây sinh trưởng yếu, bệnh gây hại tăng. Đất có thành phần cơ giới nặng, dí chặt, độ pH quá thấp, có nhiều tuyến trùng, rệp sáp gây hại càng làm gia tăng bệnh nấm gốc rễ cây hồ tiêu.
+ Nấm gây bệnh tấn công trên tất cả các phần của cây tiêu, và ở tất cả các thời kỳ sinh trưởng của cây, trường hợp nấm bệnh tấn công vào rễ hoặc cổ rễ sẽ gây cây chết đột ngột. Bệnh thường phát triển nhiều trong mùa mưa, những lá bên dưới sẽ dễ nhiễm nấm bệnh sau những cơn mưa lớn vào đầu mùa mưa. Nấm bệnh xâm nhập vào cây trực tiếp qua biểu bì hoặc gián tiếp qua khí khổng.
+ Đất ẩm ướt, đất nghèo dinh dưỡng, đất có hàm lượng canxi, magiê, kali thấp và hàm lượng đạm cao cũng tạo điều kiện cho nấm Phytophthora spp. phát triển mạnh.
- Phòng trừ:
Đối với bệnh chết nhanh gây thối rễ, cần áp dụng đồng bộ các biện pháp:
+ Biện pháp canh tác: thoát thủy tốt, tạo sự thông thoáng cho vườn trong mùa mưa, loại bỏ chôn vùi các tàn dư thực vật quanh gốc tiêu trong mùa mưa, vệ sinh vườn làm sạch cỏ dại, đốt bỏ cành nhánh bị bệnh.
+ Biện pháp hóa học: Khi phát hiện cây tiêu có dấu hiệu bệnh dùng các loại thuốc như: Agrifos-400, Phosphonate, Aliette 80WP, Alpin 80WP, Ridomil 24EC pha ở nồng độ 0,1-0,2% phun quanh gốc và toàn bộ tán lá.
+ Biện pháp sinh học: bón phân Bacte Phytop (có chứa chủng vi khuẩn đối kháng Pseudomonas spp. và nấm đối kháng Trichoderma sp.) và bón kết hợp phân Bacte 55 để cây phục hồi sau khi bị bệnh.
+ Bón phân: bón cân đối N, P2O5, K2O, Ca, Mg, không bón thừa N.
7.5. Bệnh chết chậm:
- Nguyên nhân: do các nấm như Fusarium sp., Rhizoctonia sp., Diplodia sp., tuyến trùng Radopholus similis, Meloidogyne incognita ,…
- Đặc điểm:
Bệnh chết chậm thường có triệu chứng vàng lá từ từ, nhiều khi cây hồ tiêu bị bệnh 2-3 năm sau mới chết. Cây bị bệnh kém phát triển, năng suất thấp, bộ rễ thường bị hủy hoại. Quan sát thấy trên rễ có nhiều mụn u sưng; gốc thân, cổ rễ bị thâm đen, thối khô và các bó mạch trong thân bị chuyển màu thâm đen.
Do bộ rễ bị tổn hại, quá trình thoát nước, vận chuyển muối khoáng bị gián đoạn nên cây mới bị bệnh có biểu hiện sinh trưởng kém, lá bị vàng và rụng dần dần, cây còn nhỏ có thể bị chết khô hoàn toàn. Trường hợp cây tiêu bị bệnh nhẹ thì dây tiêu không chết nhưng sinh trưởng không bình thường và cằn cỗi.
Bệnh héo do các loài thuộc chi Fusarium gây ra rất khó phòng trừ do bào tử hậu tồn tại rất lâu trong đất.
- Phòng trừ:
+ Biện pháp canh tác: không nên để vườn bị ngập nước và quá ẩm ướt.
+ Biện pháp hóa học:  khi có triệu chứng bệnh xuất hiện, có thể dùng thuốc Topsin-M, Benzeb với nồng độ 0.2% để phun trên lá và tưới vào gốc (2-3 lít/gốc).
+ Biện pháp sinh học: bón phân Bacte Phytop (có chứa chủng vi khuẩn đối kháng Pseudomonas spp. và nấm đối kháng Trichoderma sp.) và bón kết hợp phân Bacte 55 để cây phục hồi sau khi bị bệnh.
+ Bón cân đối N, P2O5, K2O, Ca, Mg, không bón thừa N.
7.6. Bệnh than thư:
- Do nấm Colletotrichum gloeosporioides gây nên.
- Triệu chứng: Trên lá có những vết vằn lớn màu vàng nâu, xung quanh vết vằn có quầng đen. Nếu vết bệnh lây sang cành, bông thì làm rụng đốt, cành, hạt khô đen và lép.
- Phòng trừ: dùng Topsin-M, Carbenzim và Bendazol với nồng độ 0,2% để phun xịt.
7.7. Bệnh virus hay bệnh xoắn lùn:
- Nguyên nhân gây ra bệnh này là do virus, bệnh thường bắt đầu xuất hiện ở thời kỳ kiến thiết cơ bản, tác nhân truyền bệnh ở vườn tiêu chủ yếu là côn trùng chích hút như bọ xít, rầy, rệp, tuyến trùng và dụng cụ dao, kéo cắt tỉa cây tiêu.
- Triệu chứng: lá nhỏ, cong queo, lá có màu hơi vàng, thường xuất hiện ở các lá non, cây cằn cỗi, chậm phát triển, giảm năng suất, khi bệnh nặng cây sẽ chết.
- Phòng trừ: Để phòng trừ bệnh này trước hết không trồng hom giống từ vườn tiêu bị bệnh, khi bệnh xuất hiện nhổ bỏ những cây bị bệnh, gom lại phơi khô đem đốt để hạn chế sự lây lan. Khi phát hiện côn trùng môi giới truyền bệnh nên dùng Bassa 50EC (0,1%), Vibasa (0,2%), Suprathion 40EC (0,2%) phun xịt định kỳ để diệt.
8. Thu hoạch, sơ chế và bảo quản
- Ở Tây Nguyên thu hoạch từ tháng 2-4.
- Không nên thu hoạch khi quả tiêu còn xanh, thời điểm thu hoạch tốt nhất để làm tiêu đen khi chum tiêu có trên 5% quả chín có màu vàng, đỏ và để làm tiêu sọ khi trên 20% quả chín.
- Khi thu hái xong có thể phơi ngay để làm tiêu đen hoặc ủ 1-2 ngày trong mát cho tiêu tiếp tục chín để làm tiêu sọ, thường xuyên trộn đều trong quá trình ủ để quả chín đạt độ đồng đều cao, tách hạt ra khỏi chum quả sau khi phơi 1-2 nắng.
- Phơi khô: Để tiêu đen thương phẩm có màu đẹp, trước khi phơi nên nhúng tiêu vào nước nóng 800C trong vòng 1-2 phút, trộn đều sau đó lấy ra để trong mát cho ráo nước rồi đem phơi.
- Phơi tiêu trên sân xi măng, tấm bạt và nong tre, sân cần được rửa sạch trước mỗi đợt phơi, dùng lưới ni-lông bao quanh khu vực phơi để tránh thú vật vào khu phơi. Nếu trời nắng tốt phơi 3-4 ngày là đạt, độ ẩm của hạt sau khi phơi khô phải đảm bảo dưới 15%, sản phẩm sau khi phơi gọi là tiêu đen.
- Có thể dùng máy sấy lúa, sấy bắp, sấy cà phê để sấy hồ tiêu, giữ nhiệt độ ổn định trong buồng sấy khoảng 55-600C.
- Sau khi phơi khô, tiêu cần được làm sạch tạp chất, lá, cuống chùm quả bằng cách sàng, quạt, giê. Muốn làm tiêu sọ (tiêu trắng), tốt nhất ngâm tiêu dưới 24-36 giờ, vớt tiêu ra bóc vỏ bằng tay và đải sạch vỏ, 4kg tiêu tươi có thể làm được 1kg tiêu sọ. Có thể làm tiêu sọ từ tiêu khô bằng cách cho tiêu vào bao đem ngâm trong nước lã 8-10 ngày trong bồn gỗ, thường xuyên thay nước, khi thấy vỏ đen bóc ra thì lấy ra, cho vào nong, thúng làm tróc vỏ, sau đó làm sạch và đem phơi.
- Bảo quản: cho tiêu vào bao 2 lớp, lớp trong là bao nilon (PE) để chống ẩm mốc, lớp ngoài là bao PP hoặc bao bố, đưa vào chất trên kệ hoặc pa-lét trong kho. Kho chứa phải thông thoáng, không quá nóng, không ẩm ướt.

0 comments: