NDĐT- Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Chư Sê (Gia Lai) dư luận xôn xao việc có thương lái đặt hàng thu mua gốc và rễ cây hồ tiêu. Các cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai đã nghiêm cấm vận chuyển gốc, rễ cây hồ tiêu ra khỏi địa phương.
Huyện Chư Sê (Gia Lai) được xem là thủ phủ hồ tiêu của cả nước khi sản lượng hồ tiêu xuất ra hàng năm chiếm từ 20 - 25% hồ tiêu cả nước. Vài năm gần đây, giá cả loại nông sản này luôn ổn định, mang lại cho nhiều hộ gia đình cuộc sống ấm no, khá giả. Tuy nhiên, thời gian gần đây, thông tin “có thương lái đặt hàng thu mua gốc, rễ cây hồ tiêu sống” đã làm cho tinh thần của người dân nơi đây hoang mang, lo lắng.
Tiếp xúc nhiều hộ dân nơi đây chúng tôi được biết: Cách đây chừng khoảng hơn 9 tháng (tháng 6-2012-PV) một người dân tên là Lê Thành Thiết (trú TP. Pleiku, Gia Lai) về địa phương này đặt vấn đề thu mua gốc, rễ cây hồ tiêu còn sống với ông Mai Xuân Dũng (49 tuổi) trú ở thôn 4, xã Ia Blang, huyện Chư Sê. Tuy nhiên, ông Dũng không nhận lời vì chưa có hàng để bán.
Đến tháng 10-2012 khi nghe tin anh Lê Phước Tiến (cháu ông Dũng) có nhu cầu phá bỏ, cải tạo lại vườn tiêu già cỗi, ông Dũng đã trực tiếp liên hệ với ông Thiết đặt vấn đề bán gốc, rễ tiêu. Thỏa thuận xong, ông Dũng nhận đặt cọc của ông Thiết hai triệu đồng và cùng vợ và các con thu gom gốc, rễ tiêu tại vườn nhà anh Tiến được 450kg cả gốc và rễ khô.
Cuối tháng 12-2012, ông Thiết cùng ông Nguyễn Ngọc Thúy, trú tại phường Tây Sơn, TP. Pleiku xuống nhà ông Dũng trực tiếp cân mua số gốc, rễ tiêu trên với giá 60 nghìn đồng/kg rễ, 20 nghìn đồng/kg gốc. Sau khi trả 15,3 triệu đồng trong tổng số 17,3 triệu đồng cho 450kg gốc và rễ tiêu trên, ông Thiết và ông Thúy tiếp tục yêu cầu ông Dũng đi thu gom nếu có ai bán.
Sự việc bắt đầu rầm rộ khi đầu năm 2013, nhiều hộ dân trong xã Ia Blang thay thế vườn tiêu già cỗi để trồng mới. Ông Dũng tới từng vườn xin được thu gom số gốc rễ này rồi đem về phơi khô chất đầy trong nhà được khoảng hơn hai tấn chờ ông Tiếp về nhận hàng. Tuy nhiên, số hàng này chưa được giao thì dư luận đã hoang mang, bất bình không ai hiểu ông Dũng mua gốc và rễ cây hồ tiêu này để làm gì..?
Tiếp xúc với chúng tôi, ông Dũng cho biết: “Người dân thay thế vườn tiêu, đào lên rồi cho tôi gom gốc, rễ chứ có mua bán gì đâu! Mỗi trụ tiêu gom hết cũng chỉ khoảng 4 đến 5 lạng gốc, rễ chứ không có nhiều. Tôi thấy người ta đặt hàng thì tôi đi gom chứ có làm gì sai đâu? Hơn nữa, người ta có nhu cầu mua mà mình lại đi xin được, nên tranh thủ lúc rảnh rỗi tôi gom về bán kiếm thêm ít tiền tiêu vặt thôi mà”.
Cũng theo ông Dũng, hiện ông có hơn hai tấn gốc, rễ cây hồ tiêu thu gom đã phơi khô nếu theo giá thỏa thuận ban đầu thì ông sẽ thu được khoảng trên 100 triệu đồng.
Tuy nhiên, việc làm của ông Dũng khiến người dân từ tò mò chuyển qua hoang mang, lo lắng. Mọi người ai cũng sợ, từ việc thu gom gốc và rễ cây tiêu ở những vườn tiêu thay thế, dần dần sẽ là cái cớ cho những kẻ vô công rồi nghề lợi dụng phá hoại vườn tiêu của họ để lấy gốc rễ mang đi bán lấy tiền tiêu xài.
Đem lo lắng của người dân trao đổi, ông Dũng rất ngây ngô khi trả lời rằng: “Nếu người ta đi trộm thì trộm hạt tiêu vừa nhanh, vừa thu nhiều tiền hơn, chứ ai đi trộm gốc rễ làm gì cho cực nhọc vì đào một gốc tiêu đâu phải là nhanh”.
Trước nguồn thông tin dư luận, các cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai đã vào cuộc nhằm ngặn chặn việc mua bán, vận chuyển gốc, rễ cây hồ tiêu.
Ông Trương Thanh Hoài - quyền Chủ tịch UBND xã Ia Blang cho biết: “Việc thu mua gốc và rễ tiêu khiến người dân hoang mang vì phần lớn người dân trong xã có vườn tiêu ở xa nhà ở. Tuy nhiên, trên địa bàn xã chưa xảy ra tình trạng đào trộm gốc, rễ tiêu đi bán và chưa có ai khác thu mua gốc, rễ cây hồ tiêu ngoài ông Dũng”.
Ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho hay: “Trước đây, vùng này đã từng xảy ra việc thương lái thu mua hạt tiêu lép, cuống tiêu để nghiền thành bột rồi trộn với bột hồ tiêu chất lượng. Vì vậy, theo suy đoán của tôi, mục đích của việc mua gốc, rễ tiêu có thể để làm gia vị, thuốc, thực phẩm hoặc xay rồi trộn với sản phẩm hạt tiêu chất lượng nhằm kiếm lời. Hành vi này sẽ mang lại lợi nhuận không nhỏ cho gian thương, nhưng sẽ làm giảm uy tín và phá hoại thương hiệu hồ tiêu Chư Sê và Việt Nam”.
Ông Bính nhận định thêm, hiện tại giá hồ tiêu đang khá cao (110 nghìn đồng/kg tiêu đen), người dân chả dại gì mà phá đi cây tiêu để kiếm tí tiền nho nhỏ, song không thể không để phòng thủ đoạn của kẻ gian muốn phá hoại nền kinh tế huyện nhà.
Trước sự việc trên, UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo dừng việc thu gom, mua bán và không cho vận chuyển gốc, rễ tiêu ra khỏi địa phương.
XUÂN HOÀNG
0 comments: