Khơi nguồn cho nông dân làm giàu

Từ một vùng đất nghèo, xã Đăk Djrăng (Mang Yang, Gia Lai) bây giờ đã khác. 1/3 trong tổng số 700 hội viên ND của xã có thu nhập vài trăm triệu đồng/năm...

Già làng cũng làm giàu
Theo chân cán bộ Hội ND xã Đăk Djrăng, huyện Mang Yang, chúng tôi đến thăm gia đình ông Đinh Kăng ở làng Brếp - già làng gương mẫu có uy tín, và là một hội viên điển hình trong phong trào SXKD giỏi của xã. Mặc dù tuổi đã ngoài 70 nhưng vợ chồng già Kăng vẫn "con người trong nhà, chân tay để ngoài rẫy". Già bấm ngón tay đếm cho chúng tôi hay những gì mình có: “Hơn 1.500 cây cà phê, 1,2ha trồng mì, 1ha trồng lúa nước; 6 sào bời lời và 12 con bò này… thu nhập chừng trên 200 triệu đồng mỗi năm đấy. Ngày xưa mình chỉ biết cây lúa rẫy nên năm nào cũng đói. Nghe lời cán bộ Hội ND, mình đến dự các buổi tập huấn chuyển giao kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm làm ăn để học cái chưa biết, học cái tài của người khác để làm ăn. Cái đầu cứ thế sáng ra dần dần”…
Nông dân xã Đăk Djrăng trúng lớn hồ tiêu.
Trong số 243 ND SXKD giỏi của xã Dăk Djrăng, hội viên Trần Việt Đôn ở thôn Linh Nham là tấm gương nổi bật... Khởi nghiệp từ 1ha đất khai hoang của bố mẹ cho khi cưới vợ, anh tiếp tục tích lũy và khai hoang được hơn 3ha. Năm 2007, anh chuyển một phần diện tích cà phê sang trồng hồ tiêu và đến nay đã trồng được 1.300 trụ. Năm 2012, gia đình anh thu hoạch được hơn 4 tấn tiêu và 4 tấn cà phê nhân. Trừ chi phí, anh lãi hơn 400 triệu đồng… Như anh Đôn, các hội viên Đinh Tân (làng Brếp); Lâm Văn Bảng, Lê Văn Diệp (làng Đăk Bong), ông Trần Công Danh… đều là những tấm gương vượt khó, làm ăn giỏi của xã Đăk Djăng.
Hội khơi nguồn
Để phong trào sản xuất kinh doanh trên địa bàn xã đi vào chiều sâu và hiệu quả, bên cạnh việc nâng cao nhận thức, Hội ND Đăk Djrăng chọn sự đột phá trước hết vào khâu "khai tâm" khoa học kỹ thuật cho bà con.
Chủ tịch Hội ND xã Đăk Djrăng, anh Đỗ Văn Thinh cho biết: Dù có ưu thế đất đai phì nhiêu phù hợp với tiềm năng trồng cây công nghiệp, nhưng cách nay chưa lâu Đăk Djrăng vẫn là một xã nghèo. Điểm mấu chốt là do nhận thức còn hạn chế, nhất là với đồng bào dân tộc, nên hội viên chưa mạnh dạn đầu tư vốn làm ăn. Bên cạnh đó, do chưa nắm vững kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, thất bại nhiều nên hội viên nhụt chí…
Để phong trào sản xuất kinh doanh trên địa bàn xã đi vào chiều sâu và hiệu quả, Hội phối hợp chặt chẽ với các phòng ban chuyên môn của huyện đưa các mô hình chăn nuôi, trồng trọt cho hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với khả năng canh tác của hội viên như: Chăn nuôi bò lai sinh sản, nạc hóa đàn heo, trồng thâm canh cây hoa màu các loại; lấy ngắn nuôi dài để có vốn tiến sang trồng các loại cây cho hiệu quả kinh tế cao hơn như hồ tiêu, cà phê…
Ngoài ra, Hội cũng thường xuyên phối hợp với trạm thú y, trạm khuyến nông, các công ty phân bón, thuốc trừ sâu tập huấn, hướng dẫn các biện pháp thâm canh, phòng trừ sâu bệnh; khuyến khích hội viên chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Đồng thời tạo điều kiện vay vốn ưu đãi của Ngân hàng NNPTNT và Ngân hàng CSXH thông qua việc thế chấp, tín chấp tạo điều kiện để người nông dân tiếp cận nguồn vốn, đặc biệt là với các hội viên nghèo…

0 comments: