Đối với sản xuất hồ tiêu, sâu bệnh hại là vấn đề quyết định sự bền vững, ổn định của vườn tiêu. Các loại sâu bệnh hại sinh ra từ đất đặc biệt nguy hiểm vì có thể gây nên sự hủy diệt vườn tiêu. Do vậy muốn đảm bảo sự bền vững, ổn định của vườn tiêu cần áp dụng các biện pháp tổng hợp ngăn ngừa sự xâm nhiễm của các loại sâu bệnh sinh ra từ đất.
Các loại sâu bệnh có ở trong đất rất nguy hiểm đối với hồ tiêu là: rệp sáp hại rễ hồ tiêu (Pseudococcus citri), bệnh vàng lá chết chậm mà nguyên nhân do tuyến trùng Meloidogyne incognita kết hợp nấm Fusarium solani gây hại rễ, bệnh do nấm Phytophthora. Bệnh do Phytophthora làm cho cây tiêu có thể chết rất nhanh sau 7-10 ngày nếu nấm bệnh tấn công vào cổ rễ (héo chết nhanh), cũng có thể làm cây tiêu có triệu chứng giống bệnh vàng lá chết chậm nếu nấm bệnh tấn công vào hệ thống rễ hút.
Các loại sâu bệnh vừa kể trên rất nguy hiểm là vì chúng tấn công hệ thống rễ cây tiêu làm giảm hoặc mất khả năng hút nước, hút dinh dưỡng của rễ, cây vàng lá dần và có thể chết. Bệnh có thể lây lan nhanh trong đất nên rất khó phòng trừ.
Trong thực tế sản xuất, nguyên nhân làm cây tiêu suy yếu, lá vàng và rụng thường rất phức tạp, trong nhiều trường hợp là sự gây hại tổng hợp của rệp sáp, tuyến trùng và các loại nấm bệnh. Do vậy cần áp dụng các biện pháp tổng hợp về chọn giống, canh tác, sinh học, hóa học để khống chế nguồn sâu bệnh hại dưới ngưỡng gây hại, bảo vệ được thiên địch, giữ cân bằng về mặt sinh học, không gây ô nhiễm môi trường sinh thái. Trong bài viết này chúng tôi chỉ đề cập đến các kỹ thuật canh tác liên quan đến đất đai và phân bón trong việc phòng trừ các loại sâu bệnh sinh ra từ đất.
1. Chọn đất trồng tiêu
để làm giảm bớt nguy cơ phát sinh phát triển của các dịch bệnh sinh ra từ đất trước hết phải chọn lựa đất trồng tiêu phù hợp.
Hồ tiêu trồng được trên nhiều loại đất khác nhau như đất đỏ phát triển trên đá bazan, đất đỏ vàng phát triển trên sa phiến thạch, diệp thạch, đất cát xám trên đá granit, đất phù sa, đất sét pha cát, đất có sỏi cơm .... miễn là đạt các yêu cầu cơ bản sau:
- đất dễ thoát nước, có độ dốc dưới 200, không bị úng ngập. đất dốc thoai thoải từ 5-100 tốt hơn đất bằng phẳng vì thuận lợi cho thoát nước.
- Tầng canh tác dày trên 70cm, mạch nước ngầm sâu hơn 2m.
- đất giàu mùn, thành phần cơ giới nhẹ đến trung bình, pHKCl từ 5 - 6.
Tránh lập lại vườn tiêu trên các vùng trồng tiêu đã bị các loại sâu bệnh hại trong đất phá hoại. Nếu nhất thiết phải trồng tiêu lại trên các vùng này, cần có thời gian cách ly và cải tạo đất từ 3-4 năm để cắt đứt nguồn sâu bệnh. Tương tự như vậy nếu trồng tiêu trên đất vườn cao su, ca cao đã hết chu kỳ khai thác (vì nấm Phytophthora cũng là loại nấm gây hại phổ biến trên cao su, ca cao)
2. Quản lý đất trồng tiêu
- Trồng theo đường đồng mức: trên đất dốc các hàng tiêu cần được trồng theo đường đồng mức để chống xói mòn.
- Thiết lập hệ thống thoát nước cho vườn tiêu, đặc biệt là các vườn tiêu trồng trên vùng đất bằng phẳng
- áp dụng hệ thống làm đất tối thiểu: tránh cày bừa, xới xáo nhiều trong vườn tiêu để giảm bớt sự xói mòn khi trồng tiêu trên đất dốc. Việc áp dụng làm đất tối thiểu còn giảm được sự xáo trộn, tổn thương bộ rễ tiêu vốn rất nhạy cảm với sự tấn công của sâu bệnh hại trong đất.
- Trồng cây che phủ đất trong vườn tiêu: việc trồng cây che phủ đất giúp cho việc làm đất tối thiểu được thuận lợi nhờ cây che phủ hạn chế được sự phát triển của cỏ dại . Ngoài ra cây che phủ đất còn làm giảm sự xói mòn rửa trôi và cung cấp thêm chất hữu cơ cho vườn tiêu làm tăng độ tơi xốp của đất, cải thiện được tính chất vật lý, hóa học và sinh học của đất. Cây che phủ đất được đề nghị trồng vào tất cả các khoảng trống trong vườn tiêu, chỉ để lại khoảng trống dưới tán xung quanh gốc tiêu, cách gốc khoảng 60cm. Cỏ trong gốc được nhổ sạch bằng tay.
Các loại cây phủ đất thích hợp là : lạc dại (Arachis pintoi), đậu Kut du (Centrocema pubescens), đậu lông (Calopogonium mucunoides), Cúc nút áo (Wedelia chinensis)
3. Quản lý dinh dưỡng cho cây hồ tiêu
- Ưu tiên bón phân hữu cơ
Việc kết hợp bón phân hữu cơ và vô cơ một cách cân đối cho cây tiêu đã được nhiều tác giả đề cập đến. Bởi vì phân hữu cơ ngoài các chất đa lượng, còn có các chất vi lượng, có tác dụng cải thiện lý hóa tính đất, tăng khả năng thoát và giữ nước, hạn chế được sự phát triển của một số tuyến trùng và nấm bệnh trong đất thông qua việc thúc đẩy hoạt động của vi sinh vật đối kháng.
Các thí nghiệm bón phân chuồng ủ hoai cho tiêu tại Quảng Trị cho biết ở các công thức bón phân hữu cơ đã làm giảm mật độ tuyến trùng Meloidogyne incognita so với đối chứng không bón phân hữu cơ.
Một thí nghiệm thực hiện ở vườn tiêu trồng trên đất đỏ bazan huyện Cư M’gar tỉnh Dak Lak cũng cho thấy tác động có lợi của phân hữu cơ đối với tính chất đất, năng suất hồ tiêu và hiệu quả kinh tế. Lượng phân hữu cơ được đề nghị bón cho tiêu kinh doanh là 10-15 kg/trụ/năm.
- Tăng cường sử dụng phân bón lá
Với nền nông nghiệp hiện đại thì việc cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng không chỉ được chú trọng qua việc bón phân vào đất mà còn qua phun lên lá. điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với hồ tiêu là loại cây trồng có bộ rễ ít phát triển và dễ bị các loại nấm bệnh, tuyến trùng, rệp sáp gây tổn hại. Ngoài các chất đa lượng thì phân bón lá giúp vào việc cung cấp các chất vi lượng cho cây trồng rất có hiệu quả.
Thí nghiệm phun các loại phân bón lá cho vườn tiêu kinh doanh cho thấy phân bón lá có thể làm giảm tỷ lệ rụng gié hoa từ đó có thể làm tăng năng suất tiêu. Phun phân bón lá với liều lượng hợp lý cho phép giảm bớt lượng phân bón khoáng bón vào đất mà vẫn không làm năng suất hồ tiêu bị giảm. Công thức phun phân bón lá đồng thời giảm lượng phân khoáng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao so với công thức đối chứng chỉ bón phân khoáng.
- Bón phân hóa học cân đối và hợp lý
Kết quả điều tra của Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên tại các vùng trồng tiêu trọng điểm ở Tây Nguyên như Chư Sê, Dak R’Lấp, Cư M’Gar, Cư jút, Ea H’Leo cho thấy có một sự lạm dụng phân bón cho hồ tiêu. đến mức cần báo động khi có những hộ sử dụng lượng phân khoáng lên đến 1200 kg N nguyên chất, 1227kg P205 nguyên chất hay 1425 kg K20 nguyên chất. Sở dĩ lượng phân bón cho tiêu rất cao là do người nông dân có thói quen tính toán để bón phân theo trụ tiêu. Mỗi trụ tiêu mỗi năm được bón từ 1 - 2,5 kg NPK hỗn hợp, ngoài ra một số hộ còn bón thêm phân ure, lân và KCl. Các nông hộ trồng tiêu thường có khoảng vài trăm trụ đến 1000 trụ, khi mua phân bón người ta chỉ tính trên số trụ có trong vườn. Do mật độ của tiêu ngày nay được trồng khá dày, phổ biến từ 2000-2200 trụ/ha nên lượng phân bón thương phẩm trên ha vì vậy cũng rất cao, khi quy ra ha có hộ bón 4 tấn NPK hỗn hợp loại 16-16-8 + 1,2 tấn Urê + 1tấn lân nung chảy + 0,6 tấn KCl/ha/năm. Bón phân rất cao trong điều kiện tưới nước đầy đủ và hoàn toàn không có cây che bóng đã cho phép nhiều nông hộ đạt năng suất 10 tấn tiêu khô/ha ở năm thứ 7, thứ 8 sau khi trồng. Bên cạnh thành tích năng suất cao là nguy cơ về tính bất ổn của các vườn tiêu khi mà các loại sâu bệnh nguy hiểm sinh ra từ đất có thể tấn công vườn tiêu vào bất cứ lúc nào. Thực tế đã có nhiều vườn đang rất tốt do được chăm bón đầy đủ sau khi bị sâu bệnh phá hại đã không chữa được và phải hủy bỏ hoàn toàn.Từ các kết quả nghiên cứu, lượng phân bón khoáng cho một trụ tiêu kinh doanh được đề nghị là: 300-350g Urê+ 150g SA + 500g super lân hay lân Vân điển + 300 – 400gKCL. Ngoài ra, cần chú ý cung cấp thêm các chất trung vi lượng qua các loại phân bón lá.
- Phương pháp bón phân
Hai nhà nghiên cứu Zaubin và Manohara cho rằng phương pháp bón phân truyền thống cho tiêu ở Indonesia có thể thúc đẩy khả năng nhiễm bệnh khi gây ra các vết thương ở rễ tiêu. Chất dịch tiết từ các vết thương này có thể hấp dẫn các loại nấm bệnh như Phytophthora. Do vậy để hạn chế sự gây hại rễ tiêu các tác giả này đã đề nghị bón phân vào 6 - 8 lỗ sâu 10cm chung quanh gốc tiêu và cách gốc tiêu 15cm.
Biện pháp bón phân hữu cơ cho tiêu cũng được bộ môn BVTV Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên đề nghị là bón trên mặt đất chung quanh gốc tiêu, tránh đào rãnh sâu làm tổn hại tới rễ tiêu. để phân hữu cơ có hiệu quả tốt, tránh được sự mất mát khi bón rải trên mặt đất cần dùng rơm rạ hay cỏ rác tủ lên trên.
Phương pháp bón phân hóa học tốt nhất trong điều kiện vùng Tây Nguyên là rải phân khi đất đủ ẩm, xung quanh tán, cách xa gốc tiêu 60-70cm xăm xới nhẹ lấp phân vào đất, tránh xới sâu làm tổn thương rễ. Nếu có sẳn hệ thống tưới trong vườn tiêu thì sau khi rải phân không gặp mưa có thể tưới để phân ngấm vào đất càng tốt.
Cách phòng trừ chung các loại sâu bệnh sinh ra từ đất là phải bảo đảm cho hệ thống rễ tốt và cây phát triển khỏe mạnh. Chiến lược phòng trừ hiệu quả các bệnh này bao gồm việc sản xuất cây sạch bệnh trong vườn ươm, chọn đất trồng tiêu phù hợp, áp dụng các kỹ thuật canh tác hợp lý với cây tiêu như trồng tiêu trên cây trụ sống để cây tiêu được chiếu sáng thích hợp, điều chỉnh cây che bóng, thoát nước tốt cho vườn, hạn chế làm đất, quản lý dinh dưỡng tốt cho vườn tiêu. Biện pháp phòng trừ bằng hóa học chỉ được sử dụng như là biện pháp cuối cùng khi cần thiết.
Nguồn: Tôn Nữ Tuấn Nam
(Viện nghiên cứu nông lâm ngiệp Tây Nguyên) |
0 comments: