Để xuất khẩu bền vững ngành Hồ tiêu Việt Nam



 
 Xuất khẩu hồ tiêu đạt kỷ lục mới
(Ảnh: hanoimoi.com.vn)
(ĐCSVN) - Dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của tình hình kinh tế trong nước và thế giới, song hồ tiêu vẫn là một trong những mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu cao từ đầu năm 2013 đến nay. Những thuận lợi trong xuất khẩu hồ tiêu đang mở ra nhiều triển vọng lớn cho phát triển ngành này.


Xuất khẩu hồ tiêu đạt kỷ lục

Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), xuất khẩu hồ tiêu trong 3 tháng đầu năm 2013 đã tăng cao. Việt Nam đã xuất khẩu 38.374 tấn hạt tiêu, tổng kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu đạt 254,1 triệu USD (tăng 20% so với năm 2012).

Về giá xuất khẩu, mặc dù giảm hơn so với cùng kỳ năm 2012, song đây là khó khăn chung trong bối cảnh hiện nay. Giá xuất khẩu trung bình hạt tiêu đen đạt 6.266 USD/tấn (thấp hơn 92 USD/tấn so với năm 2012), hạt tiêu trắng đạt 8.869 USD/tấn (thấp hơn 436 USD/tấn so với năm 2012).

Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), lượng hồ tiêu xuất khẩu quý 1/2013 đã tăng đột biến, trên 38.300 tấn với kim ngạch hơn 254 triệu USD, tăng trên 23,5% về lượng và 20% về giá trị. Đây là mức kỷ lục cả lượng và giá trị xuất khẩu từ trước đến nay.

Đáng chú ý, trong 3 tháng đầu năm 2013, Việt Nam đã xuất khẩu hạt tiêu sang hơn 80 nước và vùng lãnh thổ. Hồ tiêu Việt Nam chiếm khoảng 30% sản lượng hồ tiêu thế giới nhưng lại chiếm 50% lượng hàng giao dịch trên thị trường. Đây là con số đáng mừng khi hồ tiêu Việt Nam vẫn tiếp tục giữ vị trí hàng đầu trên thế giới. Được biết, hiện xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đã vượt qua Ấn Độ vươn lên đứng đầu thế giới.

Tiếp tục nỗ lực để xuất khẩu bền vững

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), để có được sản lượng xuất khẩu tăng cao trong 3 tháng đầu năm 2013 ngành hồ tiêu đã phải nỗ lực rất nhiều trong việc xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường. Đặc biệt, trong vụ thu hoạch tiêu năm nay, do giá cao nên hầu hết bà con thu hoạch đến đâu bán ra đến đó. Với lượng hồ tiêu dồi dào nên các doanh nghiệp xuất khẩu cũng xuất mạnh, tăng đột biến so với cùng kỳ.

Cũng theo VPA, có khoảng 40% lượng tiêu thu hoạch vụ này đã được xuất khẩu với giá cao, nhờ đó góp phần giúp người dân yên tâm sản xuất. VPA nhận định, nếu người trồng và doanh nghiệp cũng giữ được giá bán và giá xuất khẩu thì giá tiêu thế giới nhiều khả năng sẽ vẫn ổn định và có thể tăng cao trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần bình tĩnh xem xét, phân tích cung – cầu, thị trường giá cả tiêu toàn cầu.

Được biết, trong những năm qua, diện tích trồng hồ tiêu của Việt Nam tiếp tục tăng mạnh. Cả nước hiện có 6 tỉnh trọng điểm là Đồng Nai, Đắk Lắk, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước, Gia Lai và Đắk Nông trồng hồ tiêu với sản lượng lớn. Theo VPA, việc duy trì thường xuyên sản lượng hồ tiêu lớn đã đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất thế giới, đây chính là một trong những nỗ lực lớn của toàn ngành hồ tiêu trong bối cảnh tình hình có nhiều khó khăn hiện nay.

Để tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, tiếp tục giữ vị trí là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đồng thời khắc phục những khó khăn như: sản xuất nhỏ lẻ, phát triển thị trường tiêu thụ còn thiếu tính chủ động, chưa xây dựng được thương hiệu hồ tiêu, giá cả thiếu ổn định…. trong thời gian tới, ngành hồ tiêu cần triển khai các giải pháp đêt không ngừng phát triển một cách bền vững. Trong đó, tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ, tìm đầu ra cho sản phẩm, có như vậy mới ổn định được về mặt giá xuất khẩu.

Cùng với đó, hướng dẫn người trồng thực hiện quy trình tiêu chuẩn chất lượng cao để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, làm cho giá trị hàng hóa ngày càng gia tăng. Thường xuyên cung cấp thông tin thị trường để nông dân và doanh nghiệp chủ động trong sản xuất, kinh doanh, có khuyến cáo với nông dân và doanh nghiệp trong việc bán và xuất khẩu tránh hiện tượng bị ép giá.... Ngoài ra, cần có quy hoạch tốt hơn để phát triển bền vững, đồng thời đẩy mạnh chế biến để gia tăng giá trị xuất khẩu cho sản phẩm..../.
                                                                                                                                          Phạm Hằng 

0 comments: