Mô hình trồng tiêu trên cây tràm sống – Một mô hình sáng tạo của nông dân

Hồ tiêu (Piper nigrum thuộc họ Piperaceae) được trồng ở Việt Nam từ thế kỷ XVII. Là một trong những mặt hàng nông sản chủ lực của đất nước. Vào năm 2013, Việt Nam có lượng xuất khẩu hồ tiêu đạt khoảng 900 triệu USD; sản lượng hồ tiêu đạt khoảng trên dưới 100 ngàn tấn/năm. Giá cả thị trường hồ tiêu trên thế giới bình quân tăng liên tục, giá xuất khẩu hồ tiêu tại Việt Nam năm 2012 đạt khoảng 6.300 USD/tấn (VPA, 2013). Thị trường hạt tiêu Việt Nam hiện nay có mặt khắp các quốc gia trên thế giới, chủ yếu xuất khẩu đến các thị trường lớn như Châu Âu, Châu Á, Châu Mỹ và Châu Phi. Điều này cho thấy ngành hồ tiêu Việt Nam đang có cơ hội tốt cho phát triển từ đó nâng cao hiệu quả cho người trồng tiêu và góp phần vào sự phát triển ổn định kinh tế của cả nước.


Tiêu phát triển tốt trên trụ tràm sống
Ở ba vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Duyên Hải Miền Trung chiếm tổng cộng 99% diện tích trồng tiêu, còn lại chỉ 1% diện tích trồng tiêu ở tỉnh Kiên Giang chủ yếu ở Phú Quốc. Một ít diện tích ở huyện Giồng Riềng khoảng 40 ha và gần đây một số diện tích ở tỉnh Hậu Giang chưa nằm trong tổng số thống kê nhưng có hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng các loại cây ăn trái trong vùng.

Ở Việt Nam, cây Hồ tiêu phát triển mạnh trên vùng đất đỏ bazan, là một cây dây leo lâu năm nên cần trụ để leo trong khi sinh trưởng và phát triển. Trụ có thể là cây sống vừa làm trụ, vừa làm bóng râm như cây lồng mức, cây muồng đen, cây gòn, vông nem, cây ăn trái, cây cau… Trên cây trụ chết như các loại cây gỗ, cột bê tông, cột đá, bồn gạch… loại trụ này cần trồng thêm cây che bóng. Kỹ thuật trồng tiêu trên đất phèn sử dụng cây tràm sống làm trụ mới được nông dân ở các huyện Giồng Riềng, Kiên Giang; Long Mỹ và Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang sáng tạo và đem lại hiệu quả cao.

Theo số liệu của ngành Khuyến nông tỉnh Kiên Giang năm 2014, huyện Giồng Riềng mới chỉ có trên 40 ha Hồ tiêu, năng suất đạt khá cao từ 2 - 3,5 tấn/ha/năm. Năm 2014, tiêu có giá từ 150.000 - 160.000 đồng/kg, mỗi năm những hộ trồng tiêu có thu nhập hàng chục triệu đồng. Hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng các loại cây ăn quả tại địa phương.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, diện tích đất nhiễm phèn trên địa bàn tỉnh gần 68 ngàn ha, tập trung ở Phụng Hiệp, Long Mỹ, Vị Thủy, TP.Vị Thanh… Đất phèn thì khó sản xuất cây trồng, cần phải nghiên cứu tìm tòi những cây thích hợp để cho hiệu quả cao. Nông dân ở các huyện đất phèn ở Long Mỹ và Vị Thủy đã thành công khi đưa cây Hồ tiêu trồng trên đất phèn và độc đáo nhất là dùng cây trụ sống là cây tràm, một loại cây chỉ thị trên đất phèn ở Đồng Bằng Sông Cửu Long mà từ trước đến nay, chưa ai nghĩ đến. Từ đó, nhiều bà con nông dân đã chuyển đổi sang trồng cây tiêu, có nguồn thu nhập cao và ổn định. Mô hình trồng tiêu dưới tán tràm của ông Dương Thanh Bình, ở xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, là một trong những mô hình điển hình trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng sáng tạo của nông dân vùng đất phèn. Còn ở huyện Vị Thủy, nông dân Nguyễn Văn Thì, sau 3 năm chuyển đổi sang mô hình trồng tiêu, hiện ông đã phát triển gần 1 ha cây tiêu và có thu nhập ổn định.



Vườn tiêu trên trụ tràm sống tại huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang

Về kỹ thuật, do đất phèn nên trước khi trồng cần bón vôi (khoảng 500kg/ha) rải trên mặt liếp vào đầu mùa mưa; sau trồng bón nhiều phân chuồng, phân hữu cơ và ít sử dụng phân vô cơ. Liều lượng bón sẽ tăng theo sự phát triển của cây nhằm tạo độ tơi xốp, có nhiều dinh dưỡng cho tiêu phát triển tốt. Phân hữu cơ có tác dụng tạo môi trường sống cho nhiều sinh vật đối kháng làm giảm nấm bệnh cho tiêu… Ngoài ra, để tiêu ngon, thơm nồng, nông dân còn biết sử dụng thêm phân gà, vịt để bón gốc. Cần chú ý đến hệ thống nước tưới tiêu, tránh ngập úng. Trong điều kiện dùng tràm làm cây trụ sống, khoảng cách giữa các trụ khoảng 1m. Cần bón bổ sung mỗi năm khoảng 2 - 3 lần phân NPK cho dây tiêu mọc nhánh nhiều.

Mặc dù các huyện trên đây diện tích trồng Hồ tiêu còn ít so với các loại cây trồng khác, nhưng cây hồ tiêu hứa hẹn sẽ mang đến thu nhập khá cho người dân ở vùng đất phèn. Đây thật sự là một mô hình làm ăn mới cần được các ngành có liên quan nghiên cứu và nhân rộng ở từng địa phương có điều kiện thích hợp và có định hướng trong phát triển bền vững cho sản xuất cây trồng trong vùng đất phèn và vùng đồng bằng khác./.
TS. Nguyễn Công Thành, Viện Khoa học KTNN miền Nam


0 comments: