Kỹ Thuật Làm Bông Cho Cây Hồ Tiêu

Điều tuyệt diệu trong kỹ thuật trồng hồ tiêu nằm ở chỗ ta nghiệm ra một thứ gì đó. Trồng cây hồ tiêu cũng như làm một bài toán khó. Hãy góp nhặt những kinh nghiệm của người khác làm của báu cho riêng mình. Để cây tiêu không phải là bài toán không thể giải.
Làm Bông
Tiêu nhà Nguyễn Minh Vịnh
Kỹ thuật làm bông Nguyễn Minh Vịnh
Kỹ thuật làm bông Nguyễn Minh Vịnh
Giữa mê hồn trận kiến thức, góp nhặt để làm kiếm báu cho riêng mình không đơn giản một chút nào. Những cuộc trò chuyện, trao đổi, gặp gỡ, trãi lòng… Sẽ cho ta biết kết quả thực nghiệm nhanh chóng. Mà bản thân ta một mình dù có làm cả đời cũng không thể nào thử nghiệm hết được. Các bạn, anh chị, cô chú… Trồng tiêu là đang làm nông nghiệp đỉnh cao. Phải nói chính là một ngành khoa học. Do đó việc góp gió thành bão là điều vô cùng cần thiết. Tôi đã có con đường đi cho riêng mình. Còn các đồng nghiệp thì sao?
Mọi con đường đều đi tới đỉnh cao. Đó là điều ai cũng mong muốn. Nhưng sự thật không hẳn hoàn toàn là thế. Hãy chọn một con đường đi cho riêng mình mà bản thân cảm thấy tự tin và thoải mái nhất.
Một vụ mùa bội thu nhưng năm sau có hứa hẹn một vụ mùa thắng lợi như thế không? Hoặc giả năm nay thất mùa nhưng biết đâu được sang năm cũng chỉ toàn lá. Đó là điều nông dân nơm nớp lo sợ.  Với kỹ thuật làm bông tôi chia sẻ mong rằng sẽ giúp được ít nhiều cho bà con.
Trong kỹ thuật làm bông có nhiều tiệt chiêu phải nói là tuyệt diệu. Vận dụng rất nhiều kinh nghiệm, may mắn…mới có thể làm cho tiêu năm nào cũng trúng mùa. May mắn lặp đi lặp lại nhiều lần liên tiếp thì đó đích thị là kỹ thuật. Trên thế giới này làm gì có đường, chẳng qua người ta đi nhiều mới thành đường đấy thôi!
Để đảm bảo cho tiêu ra tập trung yêu cầu đầu tiên phải là vườn tiêu đồng đều. Nếu không đồng đều với những cây suy phải có chế độ chăm sóc đặc biệt để bắt kịp với cây bình thường và cây sung. Theo cảm nhận của mình nó không khôi phục được thì hãy liệu tính tới đường thay thế. Một cây tiêu chăm không cho năng suất chính là đang bòn rút kinh tế của ta. Để tiền đầu tư cho một cây mới còn tốt hơn. Với trường hợp này: Ưu tiên cải tạo đất, khi đất đã màu mỡ tự nhiên cây trẻ lại, hoặc ta có trồng mới thì cây con cũng dể sống hơn.
Nghệ thuật làm bông phải bắt đầu từ đâu nhỉ? Phải chẳng là từ khâu hãm cây? Hay khâu kích thích ra hoa? Đó là một quá trình dài. Mà ta bỏ qua bất kỳ giai đoạn nào cũng có thể trở nên thiếu sót.
Thời gian mang quả của cây tiêu rất dài. Chỉ nghỉ một thời gian sau đó lại tiếp tục mang quả. Trong lúc nuôi quả cây vẫn tiếp tục hình thành mầm ngủ. Có nhiều người nghĩ rằng khi cây tiêu nó ra tay vượt thì thứ đó sang năm mới hình thành bông. Nhưng thực tế là cây hình thành bông ngay chính mắt ngủ của bông cũ. Tiếp tục bông đèo bông. Do đó công thu hoạch cực kỳ quan trọng. Gãy 1 tay là ta mất vài chùm bông. Còn gây ra bệnh cùi tiêu nữa (Rụng lóng tháo khớp). Dưỡng cây làm cây trẻ hóa để sang năm cây tiếp tục sinh sản là mấu chốt của mọi vấn đề. Không có gì qua được phân sinh học. Thứ này tôi tự sản xuất kết hợp phân bón ngoài thị trường.
Một khi ta đã dưỡng được cây. Lúc này sau thu hoạch muốn hãm cây bằng cách nào cũng được. Cắt nước, un khói, ánh nắng mặt trời, xả lá, tác động cơ học lặt lá bằng vòi áp suất, chặt rễ, dùng K liều cao, auxin nồng độ cao, gây ngộ độc cây sau đó giải độc, chất ức chế sinh trưởng… Tất cả đều mục đích chính là giúp cây sản sinh axit ABA để cây hình thành mầm hoa. Nghệ thuật hãm cây có rất nhiều bí quyết. Bản thân tôi cũng có bí quyết. Tôi dùng khói, cắt nước, K liều cao để ức chế sinh trưởng. Sẽ có nhiều bí kíp hay, cộng đồng cùng chia sẻ, như thế mang đúng tiêu chí website hơn là bài viết 1 chiều của tôi.
Hãm cây đã khó, cho cây ra hoa còn khó hơn. Tôi có thể tóm tắt quy trình làm bông của tôi như sau:
Cách làm của tôi không giống mọi người là tôi bón K trước + kích rễ ( Axit humic) + vi lượng có thể phối trộn 1 ít N và P liều thấp dạng mau tan tránh lãng phí phân bón do rễ chưa hoạt động.
Trên lá dùng phân bón lá hàm lượng K cao. Có thể phối trộn vi lượng.
Tiếp đến tôi bón lân nung chảy + vi sinh
Trên lá phun lân đỏ phối hợp thuốc trị nấm
Sau đó phân phân bón lá P cao K cao dưới gốc bón đầy đủ đa trung vi lượng vô cơ ( NPK + TE)  lần làm bông chính. Hoặc có thể phối trộn phân đơn cho giảm chi phí.
Trên lá tiếp tục phun phân bón lá đa thành phần có kết hợp hoc môn tăng trưởng.
Tiếp tục phun Ca, Bo, … Chống rụng bông + Thuốc BVTV.
Tính toán thế nào để  cây đầy đủ dưỡng chất ngừa nấm bệnh. Luân phiên bón giữa lá và gốc. Để đảm bảo 2 lần phun lá liên tiếp cách nhau ít nhất 7 -15 ngày và gốc cách nhau 10-15 ngày. Như thế cây vẫn ăn liên tục mà không bị lãng phí do cơ chế hấp thụ, hay phản ứng hóa học.
Tôi mong là bà con hãy tự viết quy trình làm bông nhà mình. Đưa lên diễn đàn. Bà con anh em góp ý, sau đó chắt lọc. Như vậy sẽ hoàn thiện hơn. 
Nguyễn Minh Vịnh

0 comments: