Xuất khẩu hồ tiêu: Tự làm "mất giá "



Quý I/2013, xuất khẩu (XK) hồ tiêu tăng 23,5% về lượng, kim ngạch tăng 20% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng trưởng kỷ lục. Theo
các chuyên gia, điều này đáng buồn hơn vui vì chỉ ra một nghịch lý: sản lượng hồ tiêu năm nay giảm 20.000 tấn so với năm trước, nguồn cung khan lẽ ra giá bán phải cao, nhưng do ồ ạt đồng loạt bán sản phẩm đã khiến hồ tiêu bị các DN nước ngoài đua nhau "ép giá ".

Đứng đầu về XK hồ tiêu nhưng không điều tiết được thị trường thế giới, giá bán của hồ tiêu Việt Nam luôn thấp hơn giá thế giới từ 389 - 500 USD/tấn tùy loại.

     Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), 3 tháng đầu năm 2013, XK hồ tiêu đạt 38.374 tấn, tăng 23,5%, kim ngạch 254,1 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2012.

     Khan hàng nhưng vẫn bị ép giá

     Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch VPA, cho biết việc XK hồ tiêu tăng kỷ lục là do yếu tố tâm lý: năm 2012, nhiều nông dân và doanh nghiệp (DN) trữ tiêu đầu vụ để bán cuối vụ, nhưng không hiệu quả như năm 2011. Vì vậy, năm 2013, nhiều người đã bán rất mạnh, thu hoạch tới đâu bán tới đó, và các DN cũng đã tăng mạnh XK trong những tháng đầu năm. Điều này tác động không nhỏ đến giá tiêu XK và gây bất lợi cho người trồng tiêu.

     Liên tục trong nhiều năm, hồ tiêu Việt Nam chiếm 50% thị phần thế giới. Việt Nam giữ được vai trò điều tiết thị trường và XK với mức giá cao nhờ nông dân biết găm hàng, chỉ bán khi tiêu tăng giá. Việc nông dân, DN ồ ạt bán ra như thời gian qua đã giúp các nhà nhập khẩu mua được lượng tiêu khá lớn khiến họ "đỏng đảnh ", liên tục ép giá. Hiện giá tiêu đen XK bình quân khoảng 6.266 USD/ tấn (giảm 92 USD/tấn so với năm 2012), tiêu trắng: 8.869 USD/tấn (giảm 436 USD/tấn).

     Từ đầu tháng 4 đến nay, các DN XK hồ tiêu Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn khi xuất hàng đi các nước. Dù hồ tiêu của Việt Nam cũng như thế giới đều mất mùa, nhưng nhiều đối tác nhập khẩu tìm cách bỏ hàng, thậm chí còn đưa ra rào cản chất lượng để "phủ đầu " DN XK hồ tiêu của Việt Nam. Điển hình mấy tuần qua, tại một số cảng của Pakistan, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ đã xảy ra tình trạng đối tác nước ngoài viện nhiều lý do để không lấy hàng hồ tiêu. Tại cảng Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất), nhiều đối tác đã mượn hàng rào kỹ thuật ép DN Việt Nam phải giảm giá bán.

     Ông Nam nhận định: "Đối tác lấy lý do chất lượng hàng không đạt, nhưng thực chất là do giá hồ tiêu thế giới thời gian qua đi xuống, họ sợ lấy vào sẽ thua lỗ, nên tìm cách phá hợp đồng ".

     Theo các chuyên gia, nông dân và DN không nên quá lo lắng, vì hiện nay, dù tình hình thị trường diễn biến phức tạp, nhưng hồ tiêu vẫn có xu hướng tăng giá. Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC) dự báo, sản lượng tiêu toàn cầu năm 2013 ước khoảng 315.000 tấn (bằng năm 2012). Ấn Độ đã thu hoạch xong, sản lượng dưới 50.000 tấn, giảm so với dự kiến đầu vụ. Việt Nam cũng kết thúc thu hoạch, sản lượng ước khoảng 90.000 tấn (giảm gần 20.000 tấn so với năm 2012). Lượng hồ tiêu XK năm nay trên thế giới khoảng 229.000 tấn, giảm 15% so với năm ngoái.

     "Hơn nữa, vụ tiêu của một số nước như Indonesia và Brasil phải đến cuối năm mới thu hoạch, lượng cung hồ tiêu đến lúc đó vẫn phụ thuộc nhiều vào Việt Nam. Vì vậy, giá tiêu sắp tới sẽ quay đầu đi lên khi lượng cung liên tục giảm ", ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), khẳng định.




                                                      Diện tích hồ tiêu tăng nhanh vì lợi nhuận cao

     Trước diễn biến trên, VPA khuyến cáo các DN Việt Nam cần thực hiện đối sách "buôn có bạn, bán có phường ", cùng liên kết tạo tiếng nói, kiên quyết giữ giá, không nên hoạt động đơn lẻ dễ bị nước ngoài chèn ép. Các DN cần bình tĩnh xem xét, phân tích về cung - cầu, thị trường giá cả tiêu toàn cầu, chọn thời điểm bán hàng có giá tốt, không bán tập trung, đồng lòng giữ giá ổn định, không để đối tác viện cớ ép giá XK xuống thấp.

     Chuyển hướng sản phẩm

     Cũng theo ông Nam, vấn đề của hồ tiêu Việt Nam không phải là cần giữ giá trong vụ mùa này, mà điều đáng nói là về lâu dài phải tăng giá trị XK cho hồ tiêu, vì hiện nay, tuy đứng đầu thế giới về XK nhưng ngành hồ tiêu Việt Nam còn nhiều vấn đề cần sớm được tháo gỡ.

     Có mặt trên 150 quốc gia trên thế giới, nhưng 95% sản lượng hồ tiêu Việt Nam XK dưới dạng sản phẩm mới qua sơ chế. Các DN Việt Nam không XK trực tiếp sản phẩm mà thông qua 3 đối tác chính là: Ấn Độ, Trung Quốc và Mỹ, khi bán ra thị trường thế giới đều dưới tên nhà sản xuất nước ngoài, nên hồ tiêu Việt Nam chưa được nhiều người tiêu dùng thế giới biết đến. Chính vì vậy, giá hồ tiêu trong nước khi XK thường bị thấp hơn giá bán thành phẩm từ 30 - 40%.

     So với giá tiêu trung bình trên thế giới, giá XK của các DN hồ tiêu Việt Nam đang ngày càng thấp hơn. Năm 2012, giá tiêu đen Việt Nam chỉ thua giá tiêu thế giới khoảng 295 USD/tấn, nhưng trong 3 tháng đầu năm 2013, khoảng cách này đã là 389 USD/tấn. Tiêu trắng Việt Nam năm 2012 bán trung bình ở mức 9.299 USD/tấn, chỉ thấp hơn giá thế giới 89 USD/tấn, nhưng trong thời gian qua chỉ bán được với giá 8.742 - 8.874 USD/tấn, thấp hơn từ 450 - 500 USD/tấn.

     Giá hồ tiêu Việt Nam thấp hơn so với giá thế giới có một phần do sự tăng trưởng "nóng " gây ra. Mỗi ha hồ tiêu cho lợi nhuận từ 200 - 250 triệu đồng -- là một mức thu nhập đáng mơ ước của nhiều nông dân, nên diện tích hồ tiêu ngày càng tăng mạnh, năm 2011 có 55.400ha, nhiều hơn gấp 8 lần so với năm 1995. Diện tích tăng quá nhanh dẫn tới nhiều hệ lụy. Ở vùng đất không phù hợp, cây tiêu còi cọc, phát sinh sâu bệnh, đã có nhiều vườn tiêu bị chết gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho nông dân. Sự lạm dụng thái quá phân hóa học, thuốc trừ sâu khiến chất lượng tiêu suy giảm, khó đáp ứng được tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của những thị trường khó tính. Phát triển "nóng " làm mất cân bằng cung - cầu trên thị trường.

     Nếu Bộ NN&PTNT không sớm ban hành quy hoạch phát triển hồ tiêu và có sự giám sát chặt chẽ thì tính bền vững của ngành hàng hồ tiêu Việt Nam sẽ bị phá vỡ.

     VPA khuyến cáo để gia tăng giá trị XK ngành hồ tiêu, các DN cần chuyển tỷ lệ tiêu đen sang tiêu trắng, vì chênh lệch giá trị giữa 2 loại tiêu này lên tới 70%. Cần gia tăng sản xuất tiêu ASTA (theo tiêu chuẩn của Mỹ), vì loại này bán được giá cao. Đẩy mạnh XK tiêu bột - loại tiêu có thể cung cấp tới tất cả các siêu thị trên thế giới. Đặc biệt, cần chú trọng yếu tố an toàn thực phẩm, vì đây là vấn đề sống còn với ngành hồ tiêu nói riêng và các mặt hàng nông sản XK nói chung.


Thu Hường/kinh doanh24


0 comments: