Giữ được thị trường hồ tiêu



Giữ được thị trường hồ tiêuTheo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), XK hồ tiêu của Việt Nam hiện đứng số 1 thế giới cả về sản lượng và số lượng; giữ vững lợi thế cạnh tranh, điều tiết, dẫn dắt giá cả thị trường quốc tế. Đời sống của nông dân trồng hồ tiêu tăng cao và giàu  lên. Hàng ngàn hộ trồng hồ tiêu có thu nhập trên 1 tỉ đồng/năm.
Việt Nam tiếp tục là nước xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới
Nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu (XK) rớt giá, trong đó có không ít mặt hàng XK có số lượng lớn nhất, nhì thế giới nhưng vẫn không dẫn dắt được thị trường, ngược lại, thường xuyên bị khách hàng ép giá, thị trường bấp bênh. Cá tra, gạo nhiều tháng qua giá thấp khiến người nuôi cá tra lỗ nặng phải bỏ nghề, người trồng lúa không có lãi như mong đợi trong khi mặt hàng hồ tiêu trong 8 năm qua có sản lượng tăng gấp đôi và giá tăng đến 8 lần.
Nông dân quyết định giá  
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, cho biết sở dĩ nông dân trồng hồ tiêu giàu lên là do họ quyết định được giá bán chứ không phải doanh nghiệp hoặc khách hàng giao dịch thế giới. Trước đây, nông dân thường bán tháo từ đầu vụ, thậm chí bán trước khi thu hoạch, nên dễ bị thương lái ép giá. Giá cả thường xuyên bị đẩy xuống thấp, nông dân không có lời. Còn hiện nay, nông dân biết cách trữ lại tiêu và chờ khi nào giá lên mới bán ra. Nhiều nông dân còn lên mạng cập nhật giá cả cũng như theo dõi diễn biến thị trường thế giới để có quyết định chính xác nhất.
Theo dự báo sản lượng hồ tiêu ở những nước XK lớn có nguy cơ giảm đáng kể. Chẳng hạn, Ấn Độ hiện đã thu hoạch xong với sản lượng dưới 50.000 tấn, giảm so với dự kiến hồi đầu vụ. Malaysia, Indonesia, Brazil và Việt Nam cũng giảm sản lượng. Dự kiến sản lượng XK hồ tiêu trên thế giới năm 2013 là 229.000 tấn, giảm 15% so với năm ngoái. Do đó, giá hồ tiêu thế giới sắp tới sẽ khó giảm.
Diện tích tăng nhưng không bền vững
Do giá tiêu tăng cao nên diện tích trồng mới ở nhiều địa phương cũng tăng “nóng” (khoảng 6.000 ha), nâng tổng số diện tích lên 58.000 ha, trong khi quy hoạch của Bộ NN&PTNT là 50.000 ha. Nhiều khu vực có điều kiện thổ nhưỡng không phù hợp để trồng hồ tiêu cũng được nông dân trồng với diện tích lớn dẫn đến năng suất, chất lượng kém, làm phát sinh sâu bệnh, nhiều vườn tiêu chết. Không ít hộ khai thác năng suất triệt để bằng mọi cách như sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành hồ tiêu.
Hồ tiêu số lượng XK lớn nhất nhưng có đến 70% xuất dưới dạng hạt thô nên giá trị thấp. Hiện trong nước tuy đã có nhiều nhà máy chế biến có công suất, công nghệ thiết bị cao nhưng công suất sử dụng, chế biến tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm XK còn hạn chế. Tiếp thị, xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu cũng hạn chế, thiếu chủ động, phần lớn còn bán hàng qua khâu trung gian.
Theo hiệp hội, hoạt động thương mại của các doanh nghiệp có vốn nước ngoài (FDI) ngày càng phát triển mạnh. Tỉ trọng XK của các doanh nghiệp FDI ngày càng tăng so với doanh nghiệp trong nước, dẫn đến nhiều doanh nghiệp trong nước giảm thị phần XK hoặc chuyển sang xuất với số lượng nhỏ, lẻ theo từng chuyến hàng. Để giải quyết vấn đề này, theo ông Nam, doanh nghiệp trong nước cần nhanh chóng tái cơ cấu, liên kết nâng cao sức cạnh tranh mới có thể giữ được thị trường và thị phần XK.
Theo VPA, sản lượng hồ tiêu vụ 2013 từ 90.000-95.000 tấn, giảm 21% so với vụ trước. Trong quý I đã xuất khẩu được gần 40.000 tấn, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm ngoái, với giá bình quân 6.266 USD/tấn tiêu đen, 8.869 USD/tấn tiêu trắng.
Nguyễn Hải (Báo Người lao động)

0 comments: