Đậu nành nguyên liệu tăng giá
Giá đậu nành hạt bán sỉ hiện ở mức từ 19.000 – 22.000 đồng/kg, giá bán lẻ chênh lệch cao hơn 1.000 – 2.000 đồng/kg, bình quân tăng khoảng 1.000 đồng/kg so hồi đầu tháng 3.
Theo đánh giá của cục Trồng trọt (bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) ở đồng bằng sông Cửu Long, đậu nành được trồng tập trung ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long… tuy nhiên, diện tích trồng đậu nành gần đây liên tục giảm, khiến giá đậu nành nguyên liệu luôn biến động theo chiều hướng gia tăng.
Hóa chất, phân bón
Tại chợ đầu mối Trần Xuân Soạn, tiếp tục xu hướng tăng giá từ tuần trước, hôm nay ure Phú Mỹ tăng thêm 100 đồng/kg so với hôm 12/04 lên mức 9.700-10.000 đồng/kg.
Tại các vùng ĐBSCL cụ thể như An Giang, giá phân Ure TQ tăng 100 đồng đạt mức 9.600 đ/kg; phân DAP Mỹ lại giảm 100 đồng xuống 15.200 đ/kg. Tại Hậu Giang phân ure giảm 200 đồng xuống 9.400 đ/kg; phân DAP ổn định ở mức giá 14.000 đ/kg.
Theo Cục quản lý giá, Bộ Tài chính trong thời gian tới, mặc dù nhu cầu phân bón cho vụ hè thu tại cá tỉnh phía Nam bắt dầu tăng nhưng do nguồn cung chủ động,giá nguyên liệu, tỷ gía ổn định nên giá phân bón trong nước sẽ không có biến động lớn.
Giá tiêu giảm 5.000 - 7.000 đồng/kg so với năm ngoái
Thời điểm hiện nay, bà con nông dân các tỉnh Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn thu hoạch tiêu đại trà, tuy nhiên năng suất thu hoạch thấp hơn cùng kỳ.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện ở các tỉnh Tây Nguyên, diện tích tiêu hiện tăng lên trên 21.973 ha, sản lượng mỗi năm đạt gần 52.100 tấn. Riêng Đăk Lăk hiện có trên 8.000 ha tiêu, trong đó diện tích kinh doanh khoảng 5.500 ha (tiêu tự phát tăng thêm 3.000ha so với quy hoạch của tỉnh), năng suất đạt trên 2,8 tấn/ha, sản lượng hằng năm 15.600 tấn.
Tuy nhiên, theo nhận định của người trồng tiêu, năng suất tiêu năm nay chỉ được khoảng 50- 60% so với niên vụ trước. Sau nỗi lo mất mùa, người trồng tiêu còn phải hứng chịu sự biến động về giá bán. Thời điểm này, giá tiêu được niêm yết thu mua tại các đại lý chỉ khoảng 117- 119.000 đồng/kg nhân xô, thấp hơn cùng kỳ năm trước khoảng 5.000- 7.000 đồng/kg.
Ngoài ra, từ dịp giáp Tết Nguyên đán, khi một số vườn tiêu bắt đầu rải rác quả chín thì bà con đã vội hái sớm để bán lấy tiền mua sắm Tết, lúc đó giá tiêu khoảng 120.000 đồng/kg, cao hơn thời điểm giáp Tết năm ngoái gần 10.000 đồng/kg, nên đến khi bước vào vụ thu hoạch chính thị trường đã có phần bão hòa, giá xuống thấp.
Giá thịt lợn giảm, người chăn nuôi gặp khó
Thời gian gần đây, những người nuôi lợn ở các huyện ngoại thành Hà Nội rất lo lắng bởi giá lợn hơi giảm mạnh. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì nguy cơ giảm tổng đàn, thiếu nguồn cung là không tránh khỏi.
Nếu như ở thời điểm trước Tết giá lợn hơi được thương lái mua với giá cao, dao động từ 45.000đ đến 47.000đ/1kg thì hiện nay đã giảm đi rất nhiều. Theo khảo sát, giá thịt lợn hơi tại thị xã Sơn Tây chỉ 42.000đ/1kg đối với lợn siêu nạc, 38.000đ/1kg đối với lợn thường. Tại khu vực huyện Phú Xuyên giá lợn hơi cũng dao động từ 37.000 đến 38.000đ/1kg.
Trái với tình hình giảm giá lợn hơi, giá thịt tại các chợ thuộc khu vực nội thành Hà Nội tuy có giảm nhưng vẫn được coi là có giá khá chênh lệch với các vùng quê, đặc biệt là so với giá lợn hơi hiện nay. Nếu ở các chợ quê, giá thịt lợn hiện chỉ được bán với giá từ khoảng 60.000 đến 65.000 đ/kg thì tại một số chợ trong nội thành Hà Nội như chợ Ba Đình, chợ Khâm Thiên, chợ Mai Động giá thịt lợn cũng dao động từ 70.000 đến 75.000đ/1kg với thịt ba chỉ, thịt nạc là 80.000đ đến 85.000đ (tùy loại)… Sự chênh lệch giữa giá lợn hơi và thịt lợn trên thị trường không chỉ gây thiệt hại cho người chăn nuôi mà còn gây khó khăn cho người tiêu dùng.
0 comments: