Năm 1498 người Bồ Đào Nha tìm ra đường thuỷ tới Ấn Độ và giành độc quyền buôn bán Hồ tiêu cho đến thế kỷ 17. Sau đó, Hồ tiêu mới được trồng ở nhiều nước Viễn đông trong đó có Việt Nam.
Cây Hồ tiêu là cây gia vị, sống nhiều năm, hạt có vị cay, thơm; là cây dây leo thân dài, bám vào các cây, vật khác bằng rễ. Môi trường sinh trưởng tự nhiên là rừng xích đạo, nóng ẩm quanh năm, cây ưa lặng gió, che bóng, thích hợp với đất pha cát, tơi xốp, sâu, dốc thoải nhiều màu, thoát nước nhanh, lượng mưa thích hợp là 2500 – 300mm/năm.
Cây, vật để Hồ tiêu bám vào gọi là cây choái (trụ, nọc tiêu). Choái có hai loại: Choái sống và choái chết. Choái sống thường là cây vừa để Tiêu leo bám vừa tạo bóng mát cho Tiêu như: Cây mít; cây Vông; cây Mức; cây Keo giậu, cây Muồng đen, cây Cao su… Choái chết thường bằng các cây gỗ hoặc bằng cột bêtông. Tiêu có 2 loại nhánh: Nhánh mang quả và nhánh dinh dưỡng. Quả tiêu nhỏ, mỗi chùm có 20 – 30 quả. Quả non màu xanh, quả già màu đỏ, khi chín màu vàng.
Có 2 loại Hạt tiêu: Tiêu đen và Tiêu trắng (Tiêu sọ). Muốn có Tiêu đen phải hái quả lúc chưa chín, đem phơi khô, vỏ nhăn nheo, có mầu đen. Muốn có Tiêu sọ phải hái lúc quả thật chín, loại bỏ vỏ ngoài, chỉ giữ phần hạt, đem phơi nắng sẽ có hạt trắng ngà, xám. Tiêu sọ ít thơm hơn Tiêu đen nhưng cay nồng hơn. Hồ tiêu được trồng ở nước ta từ lâu, chủ yếu ở các tỉnh miền Nam, nhiều nhất là ở Phú Quốc, Kiên Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Trị và còn được trồng ra tới Nghệ An, Hà Tĩnh nhưng diện tích ít hơn. Trong những năm qua nghề trồng Hồ tiêu đã có những bước nhảy vọt, lượng Tiêu sản xuất và xuất khẩu mỗi năm tăng 20 – 30%. Năm 2001 Việt Nam xuất khẩu được 55.000 tấn Tiêu, năm 2002 đạt gần 70.000 tấn, đưa Việt Nam trở thành nước đứng thứ 2 về diện tích trồng (sau Ấn Độ) và là nước đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu Tiêu đen với các chủng loại nổi tiếng trong và ngoài nước như: Tiêu Phú Quốc, Tiêu Cù và Tiêu Hồ Xá (Quảng Trị), Tiêu Tiên Sơn (Gia Lai), Tiêu Đất đỏ (Bà Rịa), Tiêu Di Linh (Lâm Đồng)… Các loại Tiêu này được xuất khẩu sang nhiều nước và được đánh giá cao vì có độ thơm và vị cay nồng đặc trưng.
Trong Hạt tiêu có hai Ancaloit (Piperin và Chavixin), tinh dầu, chất béo, tinh bột, xenluloza, muối khoáng. Chavixin là một chất lỏng sền sệt, có vị cay hắc làm cho tiêu có vị cay nóng. Chavixin tập trung ở vỏ ngoài nên Tiêu sọ ít hắc hơn Tiêu đen. Piperin không mùi, không màu, dùng nhiều sẽ độc. Piperin làm tăng huyết áp, làm tê liệt hô hấp và dây thần kinh. Tiêu có tác dụng sát trùng, diệt ký sinh trùng, xua đuổi sâu bọ nên Tiêu còn dùng để bảo vệ đồ len khỏi bị nhậy cắn.
Ngoài tác dụng làm gia vị, Tiêu còn dùng làm thuốc kích thích tiêu hoá, chữa đau bụng, đau răng.
Theo Đông y, Tiêu vị cay, tính nóng, làm ấm bụng, hạ khí, tiêu đờm, chống cảm lạnh, chữa đau bụng do lạnh, nôn mửa, ỉa chảy, hen suyễn khó thở, đờm tắc. Tiêu dùng ít thì tăng tiêu hoá, dùng nhiều thì kích thích niêm mạc dạ dày, dẫn tới xung huyết, gây viêm, đại tiểu tiện ra máu.
Một số bài thuốc dùng Hồ tiêu chữa bệnh:
Ăn vào thổ ra: Hồ tiêu ngâm giấm, phơi tẩm 7 lần. Tán thành bột luyện hồ và rượu, vo viên bằng hạt Ngô. Mỗi lần dùng 8 – 10 viên với nước, ngày 2 lần. Hoặc: Hồ tiêu 20g, Ổn khương 30g, sắc đặc, uống nóng, 2 lần trong ngày.
Đau bụng do lạnh, mùa hè hoắc loạn: Tiêu 4g, sao vàng, tán mịn, uống với nước, ngày 2 lần. Hoặc Hồ tiêu tán bột, nhào với cơm nhão, vo viên bằng hạt Ngô, mỗi lần uống 8 – 10 viên với nước cơm, ngày 2 lần.
Thổ tả vì hàn lạnh: Ỉa mửa dữ dội, chân tay giá lạnh, ngực tức, rêu lưỡi trắng nhờn. Hồ tiêu giã nhỏ 40g, Chè hương cũ 40g, Riềng tươi giã nhỏ 40g. Ngâm vào 1 lít rượu tốt trong 5 – 10 ngày. Người lớn mỗi lần uống 1 thìa cà phê, trẻ em giảm liều lượng. Cách 1 giờ uống 1 lần.
Phong độc phát ra ở bàn tay, bàn chân lở ngứa: Hồ tiêu, muối ăn lượng bằng nhau, tán mịn, trộn giấm, bôi vào chỗ lở ngứa sau khi đã rửa sạch.
Đau tim, người mệt, hồi hộp: Tiêu sọ 2g, Đậu xanh 20g. Tán mịn, trộn đều, ngày dùng 4 – 6g, chia 2 lần.
Chứng bướu cổ: Lá Hồ tiêu giã nát với ít muối, đắp vào. Kết hợp uống nước lá Kim ngân nấu thay chè.
Răng đau nhức: Tiêu sọ, Gừng khô, lượng bằng nhau, sao khô, tán mịn, xỉa vào răng.
Ỉa chảy, ăn vào nôn ra: Hồ tiêu, Bán hạ chế, hai vị bằng nhau, tán nhỏ. Dùng nước Gừng chiêu thuốc, viên bằng hạt đậu. Ngày uống 15 – 20 viên.
Hồ tiêu là cây quý của nước ta. Tiêu không những được dùng làm gia vị, là nguồn hàng xuất khẩu mà còn dùng làm thuốc trị bệnh. Chúng ta nên nghiên cứu để phát triển cây Tiêu theo nhu cầu của thị trường. Không nên dùng Tiêu quá nhiều vì liều lượng sẽ gây ngộ độc.
0 comments: