Do giá bán ổn định ở mức cao, sản xuất có lãi nên nhiều năm qua nông dân Gia Lai tập trung nguồn vốn phát triển cây hồ tiêu. Đi cùng tốc độ phát triển về diện tích, việc thâm canh cây hồ tiêu ở Gia Lai bộc lộ hàng loạt vấn đề đáng quan tâm.
Diện tích hồ tiêu tăng nhanh
Theo quy hoạch của tỉnh, đến năm 2020, diện tích hồ tiêu giữ ổn định ở mức 6.000 ha. Thế nhưng, dự kiến đến hết năm 2012, tổng diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh lên đến 8.398 ha. Sở dĩ diện tích tăng nhanh là do tác động của giá tiêu xuất khẩu duy trì ở mức cao, giá thu mua hạt tiêu nội địa ổn định ở mức có lợi cho người trồng tiêu. Nhờ cây tiêu mà nhiều nông dân trở thành tỷ phú.
Huyện Chư Pưh được xem là “thủ phủ” hồ tiêu của tỉnh, với 8.586 hộ trồng tiêu, tổng diện tích 2.435,6 ha. Nhu cầu trồng tiêu của người dân ngày càng nhiều nên xuất hiện tình trạng một số hộ đã tìm đến huyện Chư Prông, Đức Cơ, Đak Đoa… xâm canh đất trồng tiêu, tổng diện tích trên 300 ha. Cùng với Chư Pưh, trong cơ cấu cây trồng các huyện: Chư Prông, Mang Yang, Đak Đoa, Đức Cơ, Ia Grai… hồ tiêu được xác định là một loại cây trồng chủ lực và không ngừng tăng trưởng về diện tích. Trong quá trình phát triển, có trường hợp không ngần ngại chặt bỏ diện tích cà phê còn trong chu kỳ khai thác để chuyển sang trồng tiêu; chuyển diện tích cây trồng kém hiệu quả; tận dụng quỹ đất vườn… để trồng tiêu.
Năm 2012, diện tích hồ tiêu toàn tỉnh tăng 1.088 ha so với năm 2011 và tăng 4.028 ha so với năm 2007. Với năng suất tiêu bình quân đạt 45,3 tạ/ha-mức năng suất cao nhất nước, năm 2012, nông dân trong tỉnh đã sản xuất 28.200 tấn tiêu, tăng hơn 13.000 tấn so với năm 2007. Tốc độ tăng trưởng về diện tích và sản lượng tiêu trên địa bàn tỉnh đóng góp lớn vào kết quả Việt Nam đang chiếm giữ ngôi vị số 1 thế giới về xuất khẩu hạt tiêu.
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Cây hồ tiêu trên địa bàn tỉnh đang bị nhiều loại dịch bệnh tấn công, trong đó có bệnh chết nhanh. Ông Trần Quý Lâm, ở huyện Chư Sê đã đặt ra câu hỏi cho các nhà khoa học, cơ quan chuyên môn tham dự diễn đàn khuyến nông @, chuyên đề phát triển hồ tiêu an toàn theo hướng VietGap tổ chức tại Gia Lai mới đây, rằng: Vì sao các loại thuốc chữa trị bệnh cho cây tiêu hiệu quả không cao, tiêu vẫn bị chết? Người trồng tiêu phải làm gì để vườn tiêu phát triển không bị nhiễm bệnh. Câu hỏi ông Lâm đặt ra chính là điều nông dân trồng tiêu quan tâm hiện nay.
Theo lý giải của các nhà khoa học, hồ tiêu Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung bị bệnh do giống tiêu chủ lực là Vĩnh Linh, Lộc Ninh bị nhiễm bệnh rễ và virus gây bệnh, trong đó có bệnh chết nhanh, chết chậm. Vì lây lan rất nhanh nên quá trình trị bệnh phải đúng thời điểm, dùng thuốc đúng liều lượng và phải đồng bộ giữa các hộ trồng tiêu trong vùng phụ cận.
Theo đó, cách trị bệnh hiệu quả là dùng thuốc, hóa chất bón cho cây tiêu ở trạng thái chưa bị héo lá, ngả vàng. Quy trình phòng, chữa bệnh phải đồng bộ-nghĩa là tất cả các vườn tiêu trong khu vực phải tiến hành biện pháp phòng trừ cùng lúc và thường xuyên. Tuy nhiên, thực tế khảo sát của cơ quan chuyên môn cho thấy việc phòng-chữa bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây đang được nông dân thực hiện hết sức… tiết kiệm, mặc dù tiêu mang lại cho người trồng nguồn lợi lớn. Người trồng dùng thuốc, hóa chất chữa trị khi tiêu bị bệnh; còn năm sau bệnh chưa xuất hiện thì bỏ qua.
Vườn tiêu hộ nào nhiễm bệnh thì chữa trị, các vườn lân cận chưa có biểu hiện bệnh thì không tiến hành biện pháp phòng ngừa. Cách phòng trừ bệnh trên cây hồ tiêu theo cách tiết kiệm trên là một trong những nguyên nhân để virus ký sinh ở giống tiêu phát tán gây hại, làm diện tích hồ tiêu nhiễm bệnh tăng hàng năm.
Người trồng tiêu ở Gia Lai luôn tự hào về năng suất tiêu bình quân đạt cao nhất nước với 45,3 tạ/ha. Tuy nhiên, theo ông Phan Huy Thông-Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thì: Nếu dùng mọi biện pháp để tăng năng suất thì quá trình phát triển hồ tiêu sẽ đối mặt với sâu bệnh lây lan. Vì, muốn tăng năng suất phải tăng nguyên liệu đầu vào, trong đó có chế phẩm sinh học kích thích cây tiêu phát triển, dẫn đến vườn tiêu nhanh già cỗi, chu kỳ kinh doanh bị rút ngắn. Nghiêm trọng hơn, quy trình kích thích đẩy năng suất tiêu tăng cao là nguy cơ để bệnh chết nhanh lây lan trên diện rộng và thực tế đã có rất nhiều hộ trồng tiêu phải… khóc trên vườn tiêu vì hệ lụy của việc tăng năng suất.
Phòng trừ dịch bệnh không đồng bộ, chưa đúng thời điểm, liều lượng chế phẩm sinh học chưa đúng quy định, giống tiêu thoái hóa… là căn nguyên dẫn đến dịch bệnh trên cây hồ tiêu đeo đẳng và lan rộng. Khắc phục tình trạng này, người trồng tiêu có thể điều chỉnh quy trình chăm sóc, phòng trừ phù hợp theo chỉ dẫn của cơ quan chuyên môn; song làm thế nào để có giống tiêu không nhiễm bệnh đưa vào trồng, nông dân phải cậy vào nhà khoa học, cơ quan chuyên môn.
Thế nhưng, trả lời câu hỏi giải pháp nào đáp ứng giống có chất lượng cho nông dân trồng tiêu Gia Lai nhanh nhất, các nhà khoa học và cơ quan chuyên môn cho rằng để chỉ ra loại giống hồ tiêu chất lượng đang là vấn đề nan giải. Vì, nội dung nghiên cứu giống hồ tiêu trên phạm vi cả nước hiện tại còn mỏng, chưa có cơ sở nghiên cứu giống tiêu kháng bệnh cao, lại không thể truyền đạt kinh nghiệm trồng tiêu ghép cho nông dân do cách trồng này đang triển khai nhưng chưa có kết quả. Còn sử dụng tiêu hạt để trồng phải mất thời gian 3-4 năm dây tiêu mới bám được vào trụ.
Do vậy, giải pháp chọn giống tiêu tốt nhất hiện nay được các nhà khoa học, cơ quan chuyên môn đưa ra là chọn một số cây giống đầu dòng tại các vườn tiêu tốt để nhân giống đưa vào trồng. Ngặt nỗi, các vườn tiêu tốt hiện tại lại thiếu sự đảm bảo sạch bệnh từ phía cơ quan chuyên môn, nên người trồng tiêu phải chấp nhận lấy giống từ cơ sở ươm nhỏ lẻ, hoặc tự nhân giống tại chỗ để đưa vào trồng đồng nghĩa với việc người trồng tiêu chấp nhận mang vốn, công sức đánh cược với sâu bệnh hại. Và vì thế câu hỏi bao giờ hồ tiêu trên địa bàn tỉnh mới hết bệnh vẫn chưa có câu trả lời chính xác.
Trong 3.546 ha tiêu bị nhiễm bệnh năm 2012 có gần 1.383 ha nhiễm bệnh tuyến trùng rễ; 473 nhiễm bệnh rệp sáp gốc; 633 ha nhiễm bệnh thối gốc, thối than và gần 744 ha nhiễm bệnh vàng lá thối rễ tơ. Trong tổng số diện tích nhiễm bệnh trên, có 51,4 ha nhiễm bệnh thối gốc, thối than thể nặng, còn lại nhiễm bệnh thể nhẹ và trung bình. Hệ quả tiêu nhiễm bệnh làm năng suất tiêu giảm từ 5% đến 10%; giảm từ 10% đến 20% đối với tiêu nhiễm bệnh thể trung bình và giảm 20-70% đối với diện tích tiêu nhiễm bệnh nặng… (Nguồn: Sở NN&PTNT Gia Lai)
Theo Báo Gia Lai điện tử
tiêu xanh tiêu sọ
Trả lờiXóa