Thu hàng tỷ đồng từ trồng tiêu

Thông qua các câu lạc bộ, tổ vay vốn, người nông dân có thể có thêm nguồn vốn phục vụ đầu tư cho hoạt động sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt. Nguồn vốn vay tập trung phục vụ cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là đầu tư vào khoa học kỹ thuật, công nghệ mới...
Vua tiêu Đồng Nai - ông Trần Hữu Thắng (xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) - mới đây được Hiệp hội Hồ tiêu thế giới trao danh hiệu “Người trồng tiêu giỏi nhất Việt Nam”. Không chỉ đạt năng suất cao gấp 2-3 lần so với các vườn tiêu khác, sản phẩm của ông Thắng còn có chất lượng rất tốt, hạt đều và thơm.
Sở dĩ có được kết quả này, ông Thắng cho biết, tất cả là nhờ vào việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào trồng trọt, chăm sóc cây. Hiện, vườn tiêu rộng 2,8 ha của gia đình ông được trang bị toàn bộ hệ thống tưới tiêu nhỏ giọt. Với công nghệ này, người trồng không phải tốn nhiều công sức vì việc tưới vườn cây hoàn toàn tự động.
Nhưng, quan trọng hơn, công nghệ này không chỉ tiết kiệm nước tối đa mà còn tránh được sâu bệnh, đứt rễ hoặc úng gốc... Khi cần bón phân để chăm sóc cho cây, chủ vườn có thể hòa trực tiếp phân bón vào bể chứa nước, sau đó thông qua hệ thống tưới tiêu tự động này để bón đến từng gốc cây, vừa tiết kiệm, vừa phân bố đều.
Theo ông Thắng, đây là một trong những bí quyết quan trọng giúp vườn tiêu gia đình cho năng suất bội thu, vượt trội so với những năm chưa áp dụng công nghệ chăm sóc, tưới trồng tiên tiến này.
Nếu như trước đây, năng suất trung bình khoảng 3-4 tấn/ha, sau khi lắp đặt hệ thống tưới tiêu mới, năng suất đã nhảy vọt lên 7 tấn/ha và mỗi năm gia đình tiếp tục đầu tư, cải tạo, nâng cấp hệ thống, đẩy năng suất trung bình khoảng 9 tấn/ha. Điển hình có mùa vụ thời tiết thuận lợi, năng suất đã lên đến 11 tấn/ha.
Những cải tiến về kỹ thuật khiến cho gia đình ông Thắng hưởng lợi lớn, không chỉ từ tăng năng suất. Thời gian qua, giá tiêu trong và ngoài nước liên tục ổn định và tăng, hiện đang ở mức 164 nghìn đồng/kg tiêu đen, đã đem lại lợi nhuận cao hàng tỷ đồng/năm cho gia đình ông Thắng. Đến nay, toàn bộ cơ ngơi, đất đai, vườn tược… trị giá hàng chục tỷ đồng mà gia đình ông Thắng có được đều từ việc trồng tiêu mà ra. 
Là người đầu tiên mạnh dạn lắp đặt hệ thống tưới tiêu hiện đại tiết kiệm nước ở huyện Xuân Lộc, nhận thấy hiệu quả mà nó đem lại, ông Thắng đã đem kiến thức, kỹ thuật chuyên môn phổ biến cho nhiều hộ trồng tiêu trong vùng. Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành khoảng 30 câu lạc bộ năng suất cao cùng nhau học hỏi, phổ biến kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Thắng cho biết, nếu mỗi hộ nông dân có 1 ha đất trồng tiêu theo kỹ thuật mới sẽ thu lợi trung bình hàng năm khoảng 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng (đã trừ chi phí), trong điều kiện giá cả ổn định như hiện nay.
Tuy nhiên, điều mà nhiều hộ dân trăn trở chính là làm sao có được chi phí đầu tư ban đầu. Bởi hiện nay, để đầu tư 1 ha trồng tiêu theo công nghệ mới phải chi phí trung bình 150 - 200 triệu đồng, không tính tiền đầu tư mua đất. Trong khi, phần lớn người nông dân đều không có vốn trong tay nên không phải cứ muốn là triển khai được. Trước những khó khăn về vốn của người trồng tiêu, chính quyền địa phương và các cơ quan, ban ngành đã vào cuộc.
Ông Trần Văn Xuân, Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Xuân Lộc cho rằng, những khó khăn về vốn đang dần được tháo gỡ. Thông qua các câu lạc bộ, tổ vay vốn, người nông dân có thể có thêm nguồn vốn phục vụ đầu tư cho hoạt động sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt. Tính đến nay, đã có tổng số 14.145 lượt hộ vay hơn 2.600 tỷ đồng theo chủ trương của Nghị định 41 của Thủ tướng Chính phủ, chủ yếu từ nguồn vốn của hệ thống Agribank trên địa bàn.
Trong đó, nguồn vốn vay tập trung phục vụ cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ, tăng năng suất cây trồng, đặc biệt là đầu tư vào khoa học kỹ thuật, công nghệ mới mà trong đó hệ thống tưới tiêu tiết kiệm nước đang được triển khai nhân rộng.
Thanh tuyết

0 comments: