Tết buồn ở vùng hồ tiêu

VINAGRI News - Năm 2013 giá tiêu chạm ngưỡng kỷ lục nhưng tết này lại là tết kém vui của người trồng tiêu. Hàng trăm vườn tiêu chết rũ trong năm, kéo dài tới cận tết nguyên đán đã khiến nhiều nông dân thiệt hại nặng.

Chị Nguyễn Thị Bước (thôn 5, Ia Pal, huyện Chư Sê, Gia Lai) hái hồ tiêu non bị chết héo - Ảnh: B.D

Tiêu chết khô, anh Lê Đình Hân phải bới lá nhặt quả non bán vớt vát - Ảnh: B.D

Ông Lê Sỹ Quý - quyền trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Chư Sê - cho biết hai, ba năm nay tình trạng tiêu chết xảy ra không chỉ ở Chư Sê - vùng trồng tiêu lớn nhất nước mà khắp các huyện khác của tỉnh Gia Lai. Tiêu chết cũng khiến nhiều nông dân trắng tay, nhiều người đón tết mà không khỏi xót xa vì phải nhìn vườn tiêu héo hon từng ngày.

Trồng 900 trụ, chết 500 trụ

Dọc quốc lộ 14 từ huyện Chư Sê kéo về đến khu vực Chư Pứh (tỉnh Gia Lai) những ngày này dễ dàng thấy từng đám vườn tiêu chết khô dưới nắng, cả vườn tiêu đang xanh tốt bỗng chốc chỉ vài tuần đã đổ vàng và héo khô, chỉ còn lại những hàng trụ xếp dãy. Ở thôn 5 xã Ia Pal (Chư Sê), vườn tiêu của gia đình anh Lê Đình Hân và vợ là Nguyễn Thị Bước vài năm trước là niềm mơ ước của nhiều người. Chỉ trên một khoảnh đất nhỏ, gần 900 trụ tiêu được hai vợ chồng trẻ dày công chăm bón, trĩu quả nhưng giờ đây phải chứng kiến cảnh cay đắng: hái tiêu non. Anh Hân cho biết, đến nay 500 trụ tiêu chết rụi, nhiều cây chết nhanh đến nỗi lá khô vẫn dính sum suê trên trụ y hệt như bị chất độc hoá học.

Anh Hân nói vườn tiêu của mình bắt đầu được ươm từ năm 2007, đến đầu 2001 thì bắt đầu cho thu hái bói. Dù hái bói nhưng chỉ năm đầu 900 trụ tiêu này đã cho thu hoạch bốn tấn, năm thứ hai sản lượng cũng tương đương nhưng đến năm nay thì xảy ra sự việc đau lòng. “Tiền của hai vợ chồng đầu tư vào vườn này nhiều lắm rồi, mỗi năm nếu suôn sẻ thì thu về năm sáu trăm triệu là bình thường nhưng giờ phải chạy từng ngày để đi hái tiêu chết”. Dưới những trụ tiêu đã chết khô, anh Hân bới từng đám lá để nhặt những quả tiêu non rơi xuống gốc vớt vát, cạnh đó chị Bước và con gái cũng bắc thang chọn hái những chùm tiêu mới héo nằm lẫn giữa dây tiêu sống trên trụ. “Quả nào héo thì hái về bán non vớt vát, quả sống thì để lại hy vọng không bị chết nhưng vài bữa sau lại thấy chết trắng” – chị Bước nói. Cũng theo chị Bước, ngoài vườn tiêu ở thôn 5, gia đình chị cũng ươm 1.000 trụ ở nơi khác nhưng chết sạch, đã qua ba lần trồng nhưng nay tiêu vẫn không bén nổi.

Tình trạng tiêu chết hàng loạt không chỉ ở Ia Pal mà nhiều nơi trên huyện Chư Sê như Ablá, H’Bông… Ông Lê Sỹ Quý cho biết đã có trên 150 ha tiêu toàn huyện chết rũ mà chưa có giải pháp nào điều trị hiệu quả. Tại các huyện khác của tỉnh Gia Lai như Chư Pứh, Chư Prông… tiêu chết còn dày đặc hơn. Ông Trần Ngọc Sang ở Chư Pứh cho biết, hai tháng nay gia đình ông phải bỏ vườn tiêu, đợi cho tiêu chết hết rồi mới dọn vườn để chuyển qua trồng cây khác vì tiêu chết quá nhiều. “Nếu chỉ tính riêng trụ thì mỗi ha chúng tôi mất 700-800 triệu tiền trụ bê tông, tiêu không chết ngay khi mới trồng mà bắt đầu cho thu hoạch mới chết, chúng tôi đổ tiền đầu tư vào rồi tay trắng” – ông Sang chia sẻ.

Sai phương pháp

Ông Hồ Phước Bính – đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê - chia sẻ: “Nhiều người đổ tiền của trồng tiêu rồi lúc tiêu chết mà không hiểu vì sao. Đó là do họ chưa thật sự hiểu về cây tiêu!”. Ông Bính nói cây tiêu là cây trồng giúp nông dân đổi đời nếu ai biết cách trồng và thuần thục về kỹ thuật. Tiêu là loài cây chịu nước rất kém, hai năm qua mưa nhiều đã làm cho diện tích tiêu chết tăng lên, nông dân chưa thích ứng với môi trường chăm sóc mới. Ông Bính nói hiện nay nông dân khi trồng tiêu chủ yếu đào hố âm sâu cách mặt đất khoảng 5-7cm mục đích là để giữ nước lại khi tưới nhưng chính cách làm này lại vô tình giết chết cây tiêu vào mùa mưa.  “Ông bà có câu “trồng trầu thì phải khai mương”, cây tiêu cũng y hệt như cây trầu nên phải hết sức tránh để ngập úng” – ông Bính nói.

Cụ thể hơn về nguyên nhân, ông Lê Sỹ Quý khẳng định tiêu chết là do các loài virut và nấm bệnh. Nguyên nhân sâu xa là cách canh tác, chăm bón của nông dân. Mùa mưa nước đọng lại dưới gốc cây tiêu là điều kiện tốt để các loài nấm thủy sinh phát triển, các loài nấm này ủ bệnh và xâm nhập trong thời gian dài cho tới khi cây tiêu trưởng thành thì nấm bắt đầu tấn công ồ ạt khiến tiêu chết rất nhanh. Để tránh thiệt hại, ông Quý nói hiện nhiều hộ dân đã bắt đầu đầu tư từ tưới tại gốc qua tưới bằng công nghệ phun nước nhỏ giọt, tưới bằng béc phun từ trên đọt xuống mặt đất, kết hợp với các biện pháp chống úng ngập vào mùa mưa. Ngoài ra nông dân cũng được khuyến cáo sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật kháng nấm, diệt vi khuẩn gây bệnh trong đất... nhưng đây chỉ là tình thế trước mắt.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh hiện có hơn 11.000 ha hồ tiêu, trong đó diện tích tập trung ở Chư Sê (2.476 ha), Chư Prông (gần 2.000 ha)… Trong năm 2013 đã có gần 500 ha tiêu chết, trong đó có nhiều hộ gia đình tiêu chết từ 2-3 ha. Đại diện Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai cho biết trước tình hình tiêu chết hàng loạt chi cục đã nhiều lần cử cán bộ xuống hướng dẫn nông dân cách trồng và chăm sóc vườn tiêu, chuyển từ phương pháp tưới tại gốc qua tưới phun nhỏ giọt theo công nghệ mới.

Ông Kpă Thuyên - giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Gia Lai - nói đã cử bộ phận chuyên môn xuống thống kê toàn bộ diện tích chết để có hướng hỗ trợ nông dân, hạn chế thiệt hại. Trước mắt tỉnh Gia Lai sẽ đề nghị Ngân hàng nhà nước xem xét giãn nợ để nông dân vượt qua khó khăn trước mắt, tái đầu tư vườn tiêu trở lại.

Trồng tiêu như... đánh bạc


Giá hồ tiêu đang giữ ở mức 150.000 đồng - 160.000 đồng/kg nhưng tại vùng trồng tiêu nổi tiếng của cả nước là Chư Sê, nông dân đang bán tiêu với giá từ 180.000 đồng/kg, cao hơn giá công bố trên thị trường. Phòng Nông nghiệp Chư Sê cho biết cây tiêu đem về thu nhập cho huyện mỗi năm 1.200 tỉ đồng, năng suất đạt bình quân 3,8 tấn/ha.

Mỗi ha nếu thuận lợi mỗi năm nông dân thu về từ 500 – 700 triệu đồng, đây là loài cây cho thu nhập “thần kỳ”. Tuy nhiên nhiều nông dân cho biết trồng tiêu như … đánh bạc. Trước đây khi chất đất còn đang mới, thời tiết thuận lợi nông dân trồng tiêu rất dễ dàng nhưng giờ đây ươm một vườn tiêu đối diện với quá nhiều rủi ro.

Thái Bá Dũng/ Báo Tuổi Trẻ

0 comments: