Năm 2013, phần lớn các sản phẩm nông sản chủ lực của ta đều gặp khó khăn trong XK, nhất là về thị trường, giá cả… Năm 2014 này, được dự báo vẫn tiếp tục khó khăn, nhưng cũng có tín hiệu để hy vọng.
Những ứng viên CLB tỷ USD
Trong những năm qua, XK nông lâm thủy sản đã có nhiều ngành hàng có mặt trong CLB tỷ USD, tức là đạt kim ngạch XK từ 1 tỷ USD trở lên. Có thể kể ra đây như thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, gạo, cao su, cà phê, hạt điều và sắn. Trong năm 2014 này, nếu không có những biến động bất ngờ theo hướng xấu, chắc chắn sẽ có thêm 2 ngành hàng nông sản tham gia vào CLB tỷ USD, đó là hạt tiêu và rau quả.
Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, đến hết năm 2013, XK hạt tiêu có thể đạt mức kỷ lục mới là trên 900 triệu USD. Đây là con số thống kê được từ XK chính ngạch. Nếu cộng với giá trị XK tiểu ngạch qua Trung Quốc, tổng giá trị hạt tiêu XK trong năm 2013 đã có thể đạt tới 1 tỷ USD. Nếu so với năm 2012, giá trị XK tiêu năm 2013 đã tăng thêm khoảng 100 triệu USD.
Trong những ngày cuối năm 2013, giá hạt tiêu trong nước đang tăng lên từng ngày và đứng ở mức rất cao. Những mức giá mới tuy không giúp cho nông dân hưởng lợi thêm được nhiều vì phần lớn sản lượng hạt tiêu đã được bán ra từ trước đó, nhưng đây là một cái đà rất tốt cho XK giá hạt tiêu năm 2014.
Còn giá hạt tiêu XK trong tháng 12/2013 cũng đã ở mức trên 7.000 USD/tấn. Giá hạt tiêu đang tăng mạnh có nguyên nhân từ tình trạng cung không đủ so với nhu cầu của thế giới. Bên cạnh đó, còn có việc nông dân sản xuất tiêu ngày càng làm tốt hơn trong việc chủ động trữ sản phẩm, chờ khi giá tốt mới bán. Những yếu tố đó đã góp phần quan trọng trong việc phá vỡ cái quy luật cứ 10 năm giá lên lại có 1 năm giá xuống mạnh, bởi đã 7 năm nay, giá tiêu liên tục ở mức cao.
Ngay cả trong năm 2013, khi những nhận định hồi đầu năm của các chuyên gia đều thống nhất rằng giá tiêu sẽ giảm nhiều, và nhất là khi sản lượng tiêu Việt Nam tiếp tục gia tăng, nhưng giá tiêu vẫn giữ ở mức cao và tăng mạnh trong tháng cuối năm. Trên cơ sở đó, ông Đỗ Hà Nam khẳng định, XK hạt tiêu chính ngạch trong năm 2014 hoàn toàn có thể lần đầu tiên chạm mốc 1 tỷ USD.
Một ngành hàng cũng đầy triển vọng tham gia vào CLB tỷ USD là rau quả. Đến hết tháng 10/2013, kim ngạch XK rau quả cả nước đã đạt 877,302 triệu USD, cao hơn cùng kỳ năm 2012 tới 27,8%. Từ tháng 8 đến tháng 10/2013, kim ngạch XK rau quả bị giảm dần qua từng tháng.
Nhưng trong tháng 10/2013, kim ngạch XK rau quả vẫn đạt mức trên 62 triệu USD. Bởi vậy, nếu trong tháng 11 và tháng 12, nếu kim ngạch XK rau quả tiếp tục giảm nhẹ, thì giá trị XK rau quả trong cả năm 2013 vẫn có thể ở mức xấp xỉ 1 tỷ USD. Do đó, nếu giữ được mức tăng trưởng như trong những năm qua, chắc chắn trong năm 2014, kim ngạch XK rau quả sẽ vượt qua mốc 1 tỷ USD.
Trong khi hạt tiêu và rau quả sẵn sàng vào CLB tỷ USD, thì XK điều 2014 hoàn toàn có thể chạm mốc 2 tỷ USD. Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, cho biết, trong năm 2013, dự báo XK điều và các sản phẩm chế biến sâu từ điều (dầu vỏ hạt điều, nhân điều rang muối, bánh kẹo điều...) đạt khoảng 1,8 tỷ USD.
Trong năm 2014, nếu đẩy mạnh được chế biến sâu và giá điều XK tốt hơn 2013, giá trị XK điều có thể lên hơn 2 tỷ USD. Điều đáng mừng là các DN điều đang ngày càng đầu tư nhiều hơn vào chế biến sâu. Còn về giá điều XK, đáng mừng là giá XK sang Trung Quốc liên tục tăng. Khách hàng Trung Quốc đẩy mạnh mua nhân điều phục vụ cho lễ Tết. Giá nhân điều W320 trắng, đẹp, loại 1 được họ mua với mức 7,3 - 7,5 USD/kg, loại thường 7,2 - 7,35 USD/kg.
Với ngành gỗ, dự tính kim ngạch XK năm 2013 vượt qua mốc 5 tỷ USD và có thể đạt khảng 5,5 tỷ USD. Với đà tăng trưởng liên tục giữ ở mức 2 con số trong mấy năm qua, khả năng ngành gỗ chạm mốc 6 tỷ USD trong năm 2014 là hoàn toàn có thể.
Điều tiết cà phê để giữ giá
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, cho biết, trên các kênh thông tin, tuyên truyền, lượng cà phê hàng hóa đang dư thừa rất lớn. Đặc biệt sản lượng cà phê Arabica lớn từ Brazil và các nước Nam Mỹ đang và sẽ ảnh hưởng tới cà phê Robusta của Việt Nam.
Cũng theo các kênh thông tin, tuyên truyền, sản lượng Robusta của Việt Nam tăng cao so với niên vụ trước, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của cả ngành hàng. Chính vì cho rằng sản lượng lớn, nên các công ty nước ngoài chỉ mua đến đâu dùng đến đó, cho nên thị trường cà phê cuối 2013 vẫn đang ở tình trạng cung nhiều hơn cầu. Điều này dễ dần tới tình trạng ép giá cà phê mà nông dân bán ra.
Tuy nhiên, từ 3 năm nay, nông dân trồng cà phê đã tham gia vào việc điều tiết thị trường. Khi giá thị trường xuống, nông dân hạn chế bán ra. Lúc giá tăng mới đẩy mạnh việc bán sản phẩm. Nhờ đó, giá cà phê tương đối ổn định.
Năm 2013, giá cà phê đi xuống rất nhanh, nhưng những tháng cuối năm, có một thời gian dài bà con nông dân gần như không bán ra, nên giá đã lên trở lại. Nhiều DN XK dù đã ký được đơn hàng XK cà phê nhưng đang rất khó mua được cà phê, nên phải nâng giá thu mua lên. Các công ty nước ngoài vì thế cũng đã cảm thấy lo lắng. Nếu họ đẩy mạnh mua vào, thị trường sẽ ổn định hơn.
Ông Nam dự báo từ cuối 2013 đến trước Tết Giáp Ngọ, thị trường cà phê sẽ tương đối vững và ổn định đối với nông dân. Tuy nhiên, việc nông dân Việt Nam tạm trữ cà phê khi giá xuống cũng từng bị một số khách hàng quốc tế cảnh báo rằng sẽ tạo ra lượng hàng tồn kho lớn. Nếu giá bị sụt mạnh, nông dân sẽ bị thiệt hại lớn nhất.
Nhưng ông Nam cho rằng hoàn toàn không phải như vậy, vì khi giá lên, nông dân phải tranh thủ bán ra. Còn khi giá xuống, nông dân giữ cà phê lại, trong khi nhà NK vẫn bắt buộc phải mua một lượng hàng nhất định để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Cả hai bên cùng điều tiết thì thị trường cà phê sẽ ổn định hơn.
Chú trọng gạo thơm, gạo nếp
Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho biết, so với đầu năm 2013, tình hình XK gạo đầu năm 2014 có nhiều sự thay đổi đáng chú ý. Trước hết, lượng gạo tồn kho cuối 2013 chuyển sang đầu 2014 giảm mạnh so với mức của cuối 2012 chuyển sang đầu 2013.
Trong khi đó, đến hết tháng 11/2013, lượng gạo đã ký hợp đồng XK trong đầu năm 2014 đã tương đương với lượng hợp đồng từ cuối 2012 chuyển sang đầu 2013. Đặc biệt, trong 500 ngàn tấn gạo 25% tấm mà Việt Nam trúng thầu XK sang Philippines trong đợt mở thầu cuối tháng 11/2013, chỉ có 120 - 150 ngàn tấn giao tháng 12/2013, còn 350 - 380 ngàn tấn giao trong quý 1/2014. Như vậy, tháng 2/2014, khi bắt đầu thu hoạch lúa Đông xuân, đã có sẵn hợp đồng tập trung sang Philippines. Do đó, XK gạo đầu năm 2014 sẽ không bị áp lực lớn như đầu 2013.
Dẫu vậy, trên bình diện toàn cầu, sản lượng gạo trong năm 2014 vẫn sẽ dư thừa so với nhu cầu, do nhiều nước XK tiếp tục gia tăng sản lượng lúa, tăng lượng gạo tồn trữ. Nhiều nước NK cũng tiếp tục gia tăng sản xuất lúa để giảm NK gạo.
Điều này đã thấy rõ trong năm 2013 khi Indonesia đã không NK gạo dù những năm trước đó, nước này đã NK nhiều gạo. Philippines cũng đã giảm tới 50% lượng gạo NK trong năm qua. Do cung vượt cầu, nên trong năm 2014, sự cạnh tranh giữa các nước XK gạo về thị trường, về khách hàng vẫn sẽ tiếp tục gay gắt. Chương trình thế chấp lúa ở Thái Lan cũng sẽ tác động tới giá gạo thế giới.
Bởi nếu trong năm 2014, Chính phủ nước này chỉ hỗ trợ cho 20% sản lượng lúa gạo, thì 80% còn lại sẽ phải đi vào thị trường tự do, sẽ khiến cho giá gạo trên thị trường thế giới không thể cao được. Mặt khác, Thái Lan vẫn sẽ tiếp tục bán gạo tồn kho với giá thấp. Giá lúa gạo vì thế sẽ không có khả năng tăng cao trở lại như ở mức năm 2012.
Trong bối cảnh ấy, để tiêu thụ được hết lúa gạo hàng hóa của nông dân, cần phải đặc biệt chú ý tới việc giảm giá thành, gia tăng sản xuất lúa chất lượng cao, lúa thơm, lúa nếp. Đẩy mạnh sản xuất lúa chất lượng cao là để hướng vào một số thị trường mà trước đây Thái Lan vẫn làm chủ. Bởi gạo của ta có một ưu thế mà gạo Thái Lan không có, đó là gạo mới thu hoạch.
Trong năm 2013, dù rất khó khăn về thị trường, nhưng lúa gạo hàng hóa vẫn được tiêu thụ hết cũng nhờ nông dân đã chuyển sang trồng lúa chất lượng cao nhiều hơn, các DN cũng chuyển mạnh sang XK gạo chất lượng cao. Đặc biệt, trong năm qua, gạo thơm được XK rất mạnh, ước tính đạt trên 800 ngàn tấn, tăng tới trên 70% so năm 2012 và chiếm tới 14% tổng lượng gạo XK. Có những thị trường, gạo thơm Việt Nam đã chiếm tới 42% thị phần.
Trong định hướng sản xuất lúa thơm nên tập trung đẩy mạnh sản xuất giống Jasmine, bởi đây là thế mạnh của Việt Nam do giống lúa này rất hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nước ta. Và nhất là khi Thái Lan đang giảm mạnh việc sản xuất giống lúa này, còn giá gạo Jasmine do Mỹ sản xuất giá lại quá cao. Việc sản xuất lúa nếp cũng cần được quan tâm, đẩy mạnh hơn khi mà Thái Lan cũng đang giảm sản xuất nếp. Tuy nhiên, sản xuất nếp cần được quy hoạch thành những cánh đồng chuyên canh để tránh tình trạng bị lẫn lúa gạo thường, làm ảnh hưởng đến chất lượng nếp XK.
Ổn định XK thủy sản ngay từ nguyên liệu
So với những ngành hàng khác, thủy sản là ngành hàng khó dự báo cho năm 2014. Tôm là sản phẩm số 1 trong năm 2013 và sẽ tiếp tục giữ vị trí đầu tàu trong năm 2014. Giá tôm tăng cao trong những tháng cuối năm 2013, trong khi dịch bệnh đang từng bước được kiểm soát, sẽ là cú hích lớn cho người nuôi tôm.
Vì thế, nhiều khả năng sản lượng tôm trong năm 2014 sẽ tăng thêm nhiều so với 2013, nhất là tôm thẻ chân trắng. Trong năm 2013, sản lượng tôm thẻ chân trắng là 250 ngàn tấn, thì năm 2014 có thể lên tới 300 ngàn tấn.
Tuy nhiên giá tôm có còn cao như năm 2013 hay không lại là một câu hỏi không dễ để trả lời. Mà nhiều khả năng giá tôm khó có thể tiếp tục giữ được mức cao như cuối năm 2013, bởi sản xuất tôm ở nhiều nước vốn bị dịch bệnh EMS nặng trong năm 2013 như Thái Lan, Trung Quốc... có thể sẽ được phục hồi ít nhiều.
Trong khi đó, như đã nói ở trên, sản lượng tôm Việt Nam sẽ tăng lên, và có thể cũng sẽ tăng ở nhiều nước khác. Vì thế, theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, cái căn bản nhất trong nuôi tôm là phải làm sao giữ được giá thành cũng như chất lượng sản phẩm.
Năm 2013, giá thành tôm thẻ ở mức 60.000 - 70.000 đ/kg, trong khi giá bán tôm thẻ loại 100 con/kg có thời điểm lên tới 140 ngàn đ/kg. Lợi nhuận quá lớn từ con tôm dễ khiến cho người nuôi chủ quan, mải chạy theo sản lượng bằng cách gia tăng mạnh mật độ thả nuôi, lạm dụng kháng sinh, hóa chất, khiến cho giá thành tôm nguyên liệu bị đội lên cao và ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm.
Mặt khác, chắc chắn trong năm 2014, nông dân sẽ gia tăng mạnh việc thả nuôi tôm thẻ. Khi ấy, nhu cầu tôm thẻ giống sẽ tăng cao, nên dễ dẫn tới khả năng thiếu hụt tôm giống ở nhiều thời điểm, khiến cho giá tôm giống tăng nhiều, làm gia tăng giá thành tôm nguyên liệu. Vì vậy, trong nuôi tôm 2014, phải làm sao tối ưu được giá thành, không để cho giá thành tôm thẻ lên tới 100.000 đ/kg. Có như vậy, ngay cả khi giá tôm XK không còn cao như cuối năm 2013, người nuôi tôm vẫn tiếp tục có lợi nhuận.
Cá tra cũng vẫn sẽ tiếp tục là sản phẩm XK chủ lực trong năm 2014 tuy đầu ra không dễ dự báo. Nhưng XK cá tra đang tiềm ẩn nguy cơ từ sản xuất cá tra nguyên liệu. Cuối năm 2013, giá cá tra nguyên liệu tăng lên bởi sản lượng cá nuôi trong dân đã gần như hết.
Tuy nhiên, việc tăng giá ấy chưa chắc đã khiến nông dân tích cực nuôi cá trở lại. Bởi ngoài những khó khăn về vốn liếng, về giá cả..., người nuôi cá tra hiện vẫn đang phải chịu thiệt thòi không ít từ khâu thanh toán.
Ông Hòe nhận định nếu thị trường cá tra nguyên liệu năm 2014 vẫn tiếp tục trong tình trạng thanh toán tiền mua cá giữa nhà máy với nông dân không được suôn sẻ, thì còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho cả ngành cá tra. Bởi khi người nông dân vẫn tiếp tục thiệt thòi lớn do bị nhà máy chậm thanh toán, bị chiếm dụng vốn ..., chắc chắn nông dân sẽ tiếp tục thu hẹp quy mô nuôi cá tra, khiến cho việc thu mua cá tra nguyên liệu phục vụ chế biến XK gặp khó khăn lớn.
Do đó, để ngành hàng cá tra được ổn định, thuận lợi hơn trong XK năm 2014, trước hết phải tạo được một thị trường cá nguyên liệu lành mạnh. Người nuôi phải được yêu cầu đăng ký sản lượng để DN có cơ sở tính toán XK, phải đảm bảo chất lượng cá tra đạt tiêu chuẩn XK, còn DN phải đảm bảo thanh toán đúng hạn và đầy đủ cho nông dân. Và một điều quan trọng nữa là phải tạo được sự công bằng giữa nông dân và DN khi cả 2 cùng nuôi cá tra. Vì hiện nay, khi tổ chức nuôi cá tra, DN được khấu trừ 5% thuế GTGT về TĂCN, trong khi nông dân vẫn phải gánh khoản thuế này khi mua thức ăn cho cá tra.
Theo Thanh Sơn
Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam
0 comments: