Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

Tăng trưởng xuất khẩu hồ tiêu bền vững: Đầu tư chế biến sâu

Theo Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA), 10 tháng năm 2013, Việt Nam đã xuất khẩu (XK) 123.000 tấn hồ tiêu, đạt kim ngạch 817 triệu USD, tăng 19,7% về lượng và 17,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012. VPA dự kiến hết năm 2013, XK hồ tiêu sẽ đạt 125.000 tấn, kim ngạch đạt 850 triệu USD.

 Tăng trưởng xuất khẩu
Báo cáo của VPA ghi nhận, giai đoạn 2011-2013, ngành hồ tiêu liên tục tăng trưởng XK, từ sản lượng 118.416 tấn năm 2011 tăng lên mức 125.000 tấn năm 2013, chiếm 50% sản lượng tiêu XK của toàn thế giới, kim ngạch ước đạt 850 triệu USD. Tiêu Việt Nam hiện được XK đến hơn 80 quốc gia, vùng lãnh thổ với giá trung bình tiêu đen là 6.471 USD/tấn, tiêu trắng 8.911 USD/tấn. Cả nước hiện có 13 nhà máy chế biến hồ tiêu đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, tổng công suất trên 60.000 tấn/ năm, chủng loại bao bì đóng gói đa dạng, thỏa mãn nhu cầu của các thị trường đòi hỏi chất lượng cao như Mỹ, Nhật Bản và châu Âu.
Trong 10 tháng năm 2013, Hoa Kỳ và Đức vẫn là hai thị trường lớn nhất của hồ tiêu Việt Nam, chiếm khoảng 31,4% thị phần. Hai thị trường này có mức tăng trưởng mạnh với mức tăng lần lượt là 80,9% và 11,6% về khối lượng; tăng 77,1% và 8,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012.
Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch VPA cho biết, ngành tiêu Việt Nam hiện giữ vai trò điều tiết lưu thông, bình ổn giá cả cho toàn thế giới, thu nhập và lợi nhuận chủ yếu thuộc về người trồng tiêu, doanh nghiệp kinh doanh XK có hiệu quả. Dự báo năm 2014 tình hình sản xuất XK hồ tiêu tiếp tục ổn định về giá cả với sản lượng 130.000 tấn và kim ngạch 900 triệu USD.
Tăng năng suất và đầu tư chế biến sâu
Trong nhiều mặt hàng nông sản chủ lực, hồ tiêu chưa lọt vào nhóm hàng có kim ngạch XK đạt 1 tỷ USD/năm, vì thế, để XK bền vững rất cần nâng cao chất lượng nguyên liệu và gia tăng giá trị sản phẩm.
Mặc dù, diện tích trồng tiêu những năm qua được mở rộng nhưng sản lượng cũng như chất lượng lại không tăng tương ứng, thậm chí có năm giảm. Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, năm 2011, cả nước có 53.000ha trồng tiêu, đạt sản lượng 125.000 tấn; năm 2012 đạt 57.500ha, sản lượng chỉ đạt 115.000 tấn. Nguyên nhân là do phần lớn diện tích trồng tiêu lại tập trung ở các vùng đất không phù hợp, không đủ điều kiện ứng phó thiên tai, dịch bệnh, khó ứng dụng khoa học kỹ thuật. Phần lớn nông dân canh tác theo tập quán, chưa được trang bị kiến thức cần thiết cho sản xuất theo hướng hữu cơ khiến cho khó lường những nguy cơ tiềm tàng về dịch hại, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Trong khi đó, thị trường nhập khẩu được dự báo sẽ đòi hỏi chất lượng ngày càng khắt khe hơn.
Vì thế, mở rộng vùng nguyên liệu nhưng đảm bảo chất lượng giống cây chính là yếu tố đảm bảo cho xuất khẩu bền vững của hạt tiêu Việt Nam. 
Bên cạnh đó, phần lớn hạt tiêu XK của Việt Nam mới chỉ ở dạng xuất thô nên giá trị không cao, đặc biệt các DN thường XK tiêu đen có giá trị thấp hơn rất nhiều so với tiêu trắng. Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch VPA cho rằng, giá trị XK tiêu sẽ tăng thêm rất nhiều nếu các DN đầu tư chế biến sâu. Ngoài ra, các DN cần gia tăng sản xuất tiêu theo tiêu chuẩn của Mỹ (ASTA) bởi loại tiêu này có giá trị cao và rất được các thị trường lớn ưa chuộng.
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Công ty CP Giám định và chứng nhận hàng hóa Việt Nam cho biết, hiện nay trên thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói chung và hồ tiêu nói riêng đã hình thành xu hướng tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm. Đó là chứng nhận đối với sản phẩm có quá trình canh tác thân thiện với môi trường, đảm bảo lợi ích kinh tế và phát triển bền vững. Do đó, cần cấp thiết tổ chức chương trình khảo sát đánh giá toàn diện việc sử dụng và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên mẫu tiêu Việt Nam nhằm cải tiến kịp thời và củng cố uy tín hồ tiêu Việt Nam. Đồng thời khuyến cáo nông dân hạn chế mở rộng diện tích ở những nơi có điều kiện tự nhiên không phù hợp; cần thiết chuyển từ phát triển về số lượng sang chất lượng, sản xuất theo quy trình GAP, xu hướng hữu cơ bền vững. Một số mô hình sản xuất hồ  tiêu theo GAP ở Gia Lai, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu đã đáp ứng tốt nhu cầu về chất lượng hạt tiêu đen XK, không sâu mọt, nấm mốc và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật dưới ngưỡng quy định. Những mô hình này cần được nhanh chóng nhân rộng.
Cạnh đó cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, xuất xứ địa lý, sớm đưa vào thực hiện từ sản xuất đến XK tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ thương mại và hội nhập quốc tế./.
 
Ông Deepark Shah - Giám đốc điều hành toàn cầu bộ phận tiêu và gia vị của Công ty Olam Việt Nam cho biết, mỗi năm nhu cầu về tiêu tăng thêm 10.000-12.000 tấn và 10 năm tiếp theo, nhu cầu thế giới có thể hơn 450.000 tấn. Vì vậy, ngành hồ tiêu Việt Nam cần có nguồn cung ổn định. Trong đó, cách thức canh tác là quan trọng đảm bảo sự phát triển lâu dài và lợi ích của ngành.
Duy Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét