Việt Nam đang dẫn đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu. Tuy nhiên, để giữ vững được vị trí này, hướng đi tất yếu là sản xuất hồ tiêu theo GAP cho những vùng trồng tiêu trọng điểm.
Ảnh: VGP/Lê Anh
Mặt khác cần tích cực và kiên trì giải quyết một loạt các mối quan hệ từ sản xuất, chế biến đến thương mại nhằm phát triển bền vững về quy mô, năng suất, chất lượng hồ tiêu.
Đó là ý kiến thống nhất của nhiều đại biểu khi tham gia Hội nghị phát triển Hồ tiêu bền vững năm 2013 do Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam tổ chức, ngày 18/10, tại TPHCM.
Trong 9 tháng đầu năm 2013, sản lượng xuất khẩu hồ tiêu đạt 748 triệu USD, tăng 17,3% so với cũng kỳ năm 2012, tuy nhiên mức tăng này chủ yếu là do lượng xuất khẩu tăng mạnh, bù đắp phần giảm do giá.
Theo đánh giá của các đại biểu, sản lượng hồ tiêu trong cả nước, hằng năm dành cho xuất khẩu tới 95%, hiện nay mặc dù giá trị xuất khẩu tăng cao, nhưng về lâu dài, vẫn còn nhiều yếu tố bất ổn.
Theo quy hoạch phát triển ngành Hồ tiêu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 thì sản xuất ổn định ở mức 50.000 ha, sản lượng xuất khẩu đến năm 2020 là 140.000 tấn hạt tiêu. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam, cây hồ tiêu được trồng trên 21 tỉnh, tập trung chủ yếu ở ba vùng: Đông Nam Bộ 26.810 ha, Tây Nguyên 22.860 ha và Duyên hải Miền Trung 6.410 ha, đã vượt quá diện tích quy hoạch
Do phát triển nhanh vượt quy hoạch nên việc tuân thủ các quy trình sản xuất hồ tiêu chưa được quan tâm đúng mức, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, qua đó sẽ tác động đến thị trường tiêu thụ về lâu dài.
TS. Đỗ Trung Bình, Viện Khoa học Nông nghiệp Miền Nam, cho rằng cần áp dụng sản xuất theo hướng hữu cơ, khuyến cáo nông dân hạn chế mở rộng diện tích nơi điều kiện tự nhiên không phù hợp để giảm thiểu khả năng sâu bệnh, chuyển từ phát triển về số lượng sang chất lượng, chọn giống tốt, sạch bệnh, năng suất cao, sản xuất theo quy trình GAP xu hướng bền vững hữu cơ.
Một số mô hình sản xuất hồ tiêu theo GAP như ở Gia Lai, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu đã đáp ứng tốt nhu cầu về chất lượng hạt tiêu đen xuất khẩu, không sâu mọt, nấm mốc và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật dưới ngưỡng quy định. Những mô hình này cần được nhanh chóng nhân rộng.
Bên cạnh đó cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, xuất xứ địa lý, sớm đưa vào thực hiện từ sản xuất đến xuất khẩu tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ thương mại và hội nhập quốc tế.
Tác giả bài viết: Lê Anh
Nguồn tin: Báo Điện tử Chính phủ
Nguồn tin: Báo Điện tử Chính phủ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét