Nấm bệnh hoành hành hồ tiêu ở Đắk Ơ (Bình Phước)

Xã Đắk Ơ có diện tích hồ tiêu lớn ở huyện Bù Gia Mập (Bình Phước). Mấy năm gần đây, tiêu được mùa, được giá nên người dân đổ xô trồng. Năm nay, mưa kéo dài, nhiều vườn tiêu bị sâu bệnh tấn công, có hiện tượng lá, cuống ngả vàng, sau đó rụng, thối rễ rồi chết khô. Tình trạng này kéo dài ảnh hưởng đến năng suất vườn cây, khiến người trồng lo ngại.
Xơ xác vườn tiêu
Vườn tiêu của gia đình anh Nguyễn Văn Bình ở đội 2, thôn Bù Khơn, xã Đắk Ơ xuống giống được hơn 1 năm, đang phát triển tốt thì bị vàng lá, rụng cuống, thối rễ và chết rải rác từ tháng 4 đến nay. Anh Bình cho biết: “Bệnh diễn biến trong vòng 1 tháng nay, làm chết 200 nọc trên tổng số 1.000 nọc tiêu của gia đình. Nhổ đi những gốc tiêu mất bao mồ hôi công sức chăm sóc, tôi tiếc công lắm nhưng không nhổ thì bệnh sẽ lan sang những nọc xung quanh”.
Trong vòng 1 tháng, hộ anh Bình có 200 nọc tiêu hơn 1 năm tuổi bị chết vì nấm bệnh
Có kinh nghiệm trồng tiêu lâu năm, anh Bình cho biết: “Tiêu chết do xuất hiện tuyến trùng thâm nhập vào rễ. Đây là cơ hội cho các loại nấm tấn công, lâu dần làm thối rễ. Cây sẽ chậm sinh trưởng, lá nhạt màu hoặc chuyển sang vàng, rụng từ gốc đến ngọn, các đốt cuống cũng rụng dần rồi chết hoàn toàn”. Tại những gốc tiêu nhổ bỏ, anh Bình cuốc hết rễ, rắc vôi bột để diệt nấm, mầm bệnh, phơi đất đến năm sau mới trồng lại. Không chỉ xảy ra ở tiêu non mà vườn tiêu 6 năm tuổi đang cho thu hoạch của gia đình anh Bình cũng tương tự.
Nhiều vườn tiêu của các hộ gần nhà anh Bình, tại thời điểm ra bông kết trái cũng rụng cuống và chết dần. Ông Vũ Bá Băng ở đội 4, thôn Bù Khơn cho biết: “Những năm trước rất ít xảy ra hiện tượng này. Năm nay mưa kéo dài, vườn tiêu đang tươi tốt thì vàng lá, sau đó các đốt thân biến màu thâm đen và rụng dần. Trong vòng 1 tháng, mầm bệnh đã tấn công hơn 300 nọc tiêu”. Anh Hà Văn Quyết ở đội 4, thôn 3 cho biết: “Vườn tiêu 1.500 nọc của gia đình tôi cũng bị nấm bệnh rải rác. Trong đó, 470 nọc 3 năm tuổi lá bị xoăn, ngọn xoăn. Biểu hiện bệnh đến khi chết có thể kéo dài cả năm”.
Loay hoay tìm cách
Bên cạnh vườn của ông Băng là vườn tiêu 2.000 nọc của gia đình anh Nguyễn Văn Mạnh. Hơn 1 tháng nay, vườn tiêu của gia đình anh chết rải rác 300-400 nọc. Anh Mạnh cho biết: “Khi tiêu có dấu hiệu bệnh, tôi đã phun thuốc để ngăn chặn lây lan nhưng bệnh tiến triển rất nhanh. Từ khi phát hiện thấy lá tiêu hơi rũ xuống cho đến khi lá rụng chỉ 5-7 ngày và đến khi tiêu chết hoàn toàn chỉ trong 1-2 tuần. Tôi đã sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật để phòng bệnh nhưng vẫn không cứu nổi”.
Tiêu chết trên diện rộng ở xã Đắk Ơ diễn ra trong một vài năm gần đây. Không ít hộ đã bỏ nhiều tiền của, công sức chữa bệnh nhưng vườn tiêu vẫn không thể phục hồi. “Nhiều hộ trồng tiêu chưa biết cách phát hiện, phòng trừ kịp thời các loại nấm, bệnh nên cây phát bệnh và lan nhanh sang cây khác. Bên cạnh đó, người trồng không thực hiện đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc nên ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển, dẫn đến cây kháng bệnh kém. Để hỗ trợ nông dân, chúng tôi đã tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ bệnh nhưng số người tham gia ít”, ông Đỗ Thành Trung, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Bù Gia Mập nói.
“Những năm gần đây, cây tiêu cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn các loại cây trồng khác nên người dân đổ xô trồng. Nhiều hộ còn tận dụng diện tích đất bờ ao, triền suối và sườn dốc để xuống giống loại cây này. Điều kiện không thuận lợi đã làm cho khả năng kháng bệnh của cây tiêu kém. Năm 2012, gió lốc đã làm đổ khoảng 3.500 nọc tiêu trên địa bàn xã, trong số đó phục hồi lại được một nửa. Năm nay người dân Đắk Ơ trồng mới 44 ha tiêu. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Hội nông dân xã đã phối hợp với công ty thuốc bảo vệ thực vật về tìm hiểu ở một số vườn tiêu để tìm cách chữa trị, đồng thời khuyến cáo người dân không nên trồng mới để tránh mầm bệnh lây lan”, ông Bế Văn Tim, Chủ tịch Hội nông dân xã Đắk Ơ cho biết.
... Nhưng không thể cứu chữa
Thời điểm này, nhiều vườn tiêu của người dân ở xã Đắk Ơ bị nấm bệnh chết nhiều, nếu phòng trị bệnh không tốt thì thiệt hại về kinh tế sẽ rất lớn. Bởi, hồ tiêu là cây trồng khó tính, rất nhạy cảm với nấm bệnh. Tiêu chỉ được trồng ở đất mới và khi chết thì trồng lại rất khó, những người có kinh nghiệm, kỹ thuật xử lý đất cũ tốt mới dám trồng lại trên diện tích tiêu đã chết.
Nhìn vườn tiêu xơ xác, ông Băng than phiền: “Giá tiêu trên thị trường hiện đang ở mức 120-140 ngàn đồng/kg. Vườn tiêu 1.000 nọc của gia đình tôi đang cho thu hoạch khoảng 7-8 tấn/năm, nhưng năm nay tiêu chết nhiều, sản lượng sẽ giảm hơn 1 tấn”.
Huyện Bù Gia Mập hiện có 1.046 ha tiêu, trong đó xã Đắk Ơ gồm 644,02 ha. Đến thời điểm này, diện tích tiêu bị bệnh của huyện hơn 50 ha, bệnh gây hại ở các vườn tiêu thuộc khu vực xã Đắk Ơ và một số xã lân cận. Từ đầu năm ngành bảo vệ thực vật huyện đã tổ chức hơn 50 lớp tập huấn kỹ thuật, trong đó có 20 lớp chăm sóc và phòng trị bệnh trên cây tiêu cho nông dân học tập.
Theo ông Đỗ Thành Trung, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Bù Gia Mập: Hiện tượng cây tiêu bị vàng rụng lá, thối rễ là biểu hiện của bệnh “thối rễ chết nhanh”. Do nấm bệnh (nấm Phytophthora hoặc Fusarium) xâm nhập vào gốc, thân và rễ. Bệnh phát triển nhanh, thường xảy ra khi rễ cây bị yếu do ngập nước hoặc bị tổn thương vùng rễ do gió, côn trùng, tuyến trùng và xới xáo làm đứt rễ. Hiện tượng lá xoăn, ngọn trắng cũng là bệnh thường gặp ở cây tiêu, nông dân thường gọi là bệnh “tiêu điên”. Bệnh do vi-rut gây ra nên không có thuốc đặc trị, khi phát hiện bệnh thì nhổ bỏ những dây tiêu bị bệnh và đem tiêu hủy. Trước khi trồng lại phải xử lý hố bằng vôi bột và thuốc trừ nấm.
N.Hà - H.Châu

0 comments: