Thứ Tư, 24 tháng 4, 2013

Kỹ thuật nhân giống cây hồ tiêu



Kỹ thuật nhân giống cây hồ tiêu
Vườn hồ tiêu trồng đã 27 năm của gia đình Nguyễn Minh Vịnh.
Muốn thành công trong bất kì lĩnh vực nào cũng phải có mục tiêu rõ ràng, có ước mơ để tạo động lực cho ta phấn đấu, tìm tòi học hỏi, đúc kết kinh nghiệm từ bản thân, gia đình và của người đi trước. Và tuyệt đối không được nản chí trên con đường mà ta đã chọn. Trồng cây hồ tiêu cũng vậy.
Khi mới bắt đầu trồng hồ tiêu, tôi may mắn hơn nhiều người khác là được thừa hưởng kinh nghiệm của gia đình. Một kỹ sư công nghiệp trẻ, bỏ về vườn trồng tiêu thì có rất nhiều lời đàm tiếu. Thậm chí cái cuốc còn cầm không nổi, vì bao năm đèn sách tôi chỉ biết cầm cây bút. Phải học từ những nhát cuốc đầu tiên, học từ những người thân trong gia đình đã chỉ cho tôi biết làm thế nào để trồng cây hồ tiêu. Tôi rất biết ơn những người thân đã giúp đỡ để nay tôi có thể chia sẻ kinh nghiệm lại với bà con.
Hồ tiêu là một loại cây dây leo hoang dại trong rừng được con người mang về trồng từ rất lâu. Hồ tiêu nguyên thủy có chủ yếu là bông đơn tính nên khả năng đậu hạt rất thấp. Hồ tiêu ngày nay năng suất cao nhờ có sự chọn lọc nhân tạo là chính. Cây còn có thể thụ phấn nhờ vào sức gió, côn trùng,… nhưng nhiều nhất vẫn là khả năng tự thụ phấn nếu là bông lưỡng tính. Những bông đơn tính sẽ rụng giống như bông cây trầu không, có ra bông nhưng không đậu hạt.
Hồ tiêu là cây công nghiệp đa niên. Vì vậy, việc chọn giống tốt có ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, sản lượng và khả năng đề kháng với dịch bệnh sau này. Theo tôi, khâu quan trọng nhất của việc trồng hồ tiêu chính là chọn giống. Chọn giống làm sao để cho năng suất cao và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của vùng trồng. Phải chọn những giống có nguồn gốc rõ ràng, đã kiểm định được năng suất và khả năng kháng dịch bệnh, chống chịu với điều kiện bất lợi của môi trường.

CÁC CÁCH NHÂN GIỐNG

Có nhiều phương pháp nhân giống hồ tiêu như: bằng hạt, bằng dây hom, chiết và có thể ghép.
Kỹ thuật nhân giống cây hồ tiêu
Sự khác biệt giữa giống tốt và giống xấu

I. Nhân giống bằng hạt

Việc nhân giống bằng hạt sẽ không đảm bảo những cây con hoàn toàn cho năng suất như cây mẹ. Có thể nó cho ra giống mới năng suất cao hơn. Nhưng cũng có thể nó cho ra cây kém năng suất. Mà cây tiêu chủ yếu tự thụ phấn nên khả năng thoái hóa khi nhân giống bằng hạt là rất lớn. Chỉ có một số ít hạt thụ phấn chéo nhờ gió hay côn trùng thì có thể mang những đặc tính nổi trội của ưu thế lai. Cây tiêu trồng tới ngày nay thì khó tìm thấy cây còn thuần chủng.
Nhược điểm lớn nhất của nhân giống bằng hạt là cây rất lâu ra ác, lâu có trái và cũng không đảm bảo là cây sẽ mạnh hơn phương pháp nhân giống bằng hom cho dù đã chăm sóc đúng cách. Nhưng nếu bà con nào vẫn có ý định nhân giống bằng hạt thì nên chọn giống từ cây bố mẹ mạnh khỏe, hạt to và đều hạt, không bị bồ cào. Giống đó là do mình chọn hạt đem nhân chứ không nên lấy cây mọc lang, mọc dại đem nhân giống. Lấy như vậy sẽ không đảm bảo chất lượng cây giống. Đợi cho tới khi nó ra trái mới biết năng suất kém cũng mất vài năm, nhổ bỏ thì tiếc mà không nhổ bỏ thì cũng chẳng có lợi về mặt kinh tế. Mục đích chính của bà con trồng tiêu là sản lượng thu hoạch được, chứ không phải là tìm hiểu về các phép lai hay nguồn gen như các nhà khoa học.

 II. Nhân giống bằng hom

 Với phương pháp nhân giống này cây con mang đặc tính giống hệt cây mẹ.
Ưu điểm là dể thực hiện, và có thể nhân giống nhanh chóng. Bà con ta thông thường nhân giống bằng lươn (lươn là tiêu mọc bò dưới đất, còn tiêu trên đọt mà không có chỗ leo nữa nó thòng xuống gọi là lươn thòng), hay bằng dây bám trong thân mà chưa ra tay gọi là lươn thân. Và dây bám vào thân đã ra tay gọi là tiêu ác, phần tiêu ra tay ở dưới gốc sau đó bò dài ra gọi là ác gốc. Cách nhân giống khá đơn giản.
Chọn dây đã già cứng cáp có nhiều mắt rễ khí sinh (rễ bám) thì cây sẽ phát triển tốt hơn.
Cắt lấy khoảng 3-4 mắt, chiều dài tối ưu là 30-40 cm tùy vào khoảng cách của mắt dây.
Cắt bỏ hết lá và tay phía dưới bầu đất ươm. Chừa 2/3 lá phần phía trên, cây sẽ phát triển mạnh nhất. Thường ít khi nhân giống bằng lươn thòng, vì không có mắt rễ khí sinh nên cây sẽ phát triển chậm hơn. Có khi cây con trồng leo lên tới ngang ngực mà nhổ lên chỉ có vài cái rễ.
Dựa theo cách chọn hom giống mà ta phân ra làm hai loại là trồng bằng lươn hay trồng bằng ác.
Trồng bằng lươn có nhược điểm là cây lâu ra trái hơn nhưng ưu điểm là cây mạnh hơn và tuổi thọ sẽ cao hơn, cây hồ tiêu kinh doanh sẽ lâu suy hơn trồng bằng ác.
Trồng bằng ác lại mau cho ra trái nhưng cây nhanh già cỗi và sớm suy thoái. Với phương pháp chăm sóc tốt, cho dù trồng lươn hay ác, hồ tiêu có thể kéo dài tuổi thọ trên 35 năm.

Cách ươm giống bằng hom

 Theo kinh nghiệm, những nhà vườn trồng tiêu năng suất cao chung quanh tôi phân ra làm hai cách ươm. Tôi áp dụng cả hai cách và thấy cả hai đều hiệu quả. Nên tôi chia sẻ với bà con như sau:
  •  Cách ươm bài bản

Chuẩn bị bầu ươm kỹ càng bằng cách trộn xơ dừa, tro trấu và đất. Tỉ lệ 50% đất 25% xơ dừa và 25% tro trấu trộn đều với nhau. Dây hom được ngâm vào dung dịch ra rễ cực mạnh trong 5 phút. Vườn ươm phải có sự chuẩn bị, có che chắn cho cây phát triển mạnh. Khi cây đã phát triển mạnh rồi mới được đưa đi trồng. Trước khi đem trồng phải tháo bỏ dàn che chắn, cho cây ra ánh sáng để cây cứng cáp với chế độ ánh sáng tăng dần. Khi trồng, quan trọng nhất là hố đã xử lý tốt để ngăn ngừa dịch bệnh. Phải bón lót đầy đủ phân chuồng hoai mục đã xử lý với lượng 10kg/ hố. Thông thường hố có kích thước 40x40x40cm với đất có tầng canh tác dày, rút nước tốt. Và hố có kích thước 50x50x50cm với đất khó rút nước. Lượng phân chuồng theo kinh nghiệm của tôi thì cứ ngập 2/3 hố là tốt. Sau đó đảo trộn đều, để tối thiểu 20 ngày sau mới xuống giống, hoặc để 1 tháng hay 1 tháng rưỡi cho chắc ăn hơn. Khi xuống giống tiêu không còn sợ cháy rễ vì rễ non của tiêu rất dễ bị tổn thương. Có thể bón lót thêm một tí lân + phân gà đã xử lý chuyên dùng bón lót tiêu con. Tuy đào hố sâu vậy nhưng chỉ trồng cạn thôi, với độ nghiêng chừng 700 so với mặt đất. Không nên dằn chặt đất quá, rễ sẽ kém phát triển. Chỉ dằn gốc và gần mặt cho cây giống khỏi lay. Nếu dây tiêu dài thì nên cột vào một cây giả (nọc phụ) cho tiêu leo lên cây giả trước. Khoảng cách giữa cây tiêu và gốc cây (hoặc nọc) cho tiêu leo là 25 cm và trồng theo 1 hướng nhất định, trồng như vậy sẽ dễ đôn tiêu.
Khi đôn tiêu thì nên khoanh 1 chỗ và 1 hướng cho ta dễ chăm sóc sau này. Tuyệt đối không đôn vòng quanh gốc cây tiêu leo. Vì đôn như vậy sau này rễ tiêu rất dể bị tổn thương khi ta phát cỏ, bón phân… Lưu ý hướng gió bão. Ví dụ: Hướng gió thổi mạnh là từ tây sang đông thì trồng hướng đông đôn sang hướng tây (ngược lại) để cây dễ leo, và khi leo sẽ ít bị tuột. Trồng 1 hướng thôi nhé. Yêu cầu này thường chỉ những người trồng tiêu có kinh nghiệm lâu năm mới để ý. Chỉ nên đôn tiêu khi cây đã ra vài cặp tay cứng cáp. Nếu đôn quá non cây sẽ ra lươn lại, phải mất công bấm đọt. Còn đôn quá già cây sẽ khó ra rễ và hay bị rầy trắng tấn công. Phải xử lý sạch hết rầy trắng trước khi đôn.
  • Cách ươm theo chọn lọc tự nhiên hay chọn lọc nhân tạo

Chẳng có chuẩn bị gì. Cứ cắt hom vô trồng trong đất nhà mình, cây sẽ lên tự nhiên. Hom nào yếu thì sẽ chết ngay lúc mới trồng. Sau khi trồng xuống đất, gặp điều kiện môi trường thích hợp, cây nào sống sẽ phát triển rất mạnh và ít bị bệnh tật. Kiểu chăm sóc “con nhà khó” như của đồng bào thiểu số đó mà. Đây là cách ươm chọn lọc tự nhiên.
Ngoài ra khi giâm hom người ta có thể ủ trong cát khoảng 20-30 ngày để cho cây ra rễ. Khi nhổ hom lên để ươm vô bầu với giá thể đất, xơ dừa và tro trấu,  thấy cây nào không ra rễ thì vứt bỏ. Cây nào rễ mạnh thì ta ươm, chăm sóc. Lưu ý cẩn thận không làm đứt rễ, và không ngâm trong bất kỳ dung dịch phân nào, kể cả phân bón lá, cây sẽ bị cháy rễ non. Đây cũng là cách ươm theo chọn lọc nhân tạo.

III.  Nhân giống bằng phương pháp chiết

Kỹ thuật nhân giống cây hồ tiêu
Bó chiết tiêu lươn
Đầu tiên, phải chọn những cây tiêu bố mẹ là những cây khỏe mạnh, thường là những cây 2-3 năm tuổi.
Với cây tiêu đã ra ác cao chừng 2 mét, bó tiêu y như chiết cây bình thường. Chọn những dây có rễ bám nhiều (rễ khí sinh), sau đó bó lại chừng 2-3 mắt rễ. Tôi thường dùng giá thể là rễ lục bình trộn với tro trấu và đất ẩm.
Bên trong bó bằng rễ lục bình để giữ nước và kích thích cây ra rễ. Bên ngoài bọc đất trộn tro trấu. Nếu có khô bầu thì chỉ khô đất chứ bên trong vẫn giữ ẩm không sợ cháy rễ. Đợi sau 10 ngày kể từ ngày bó bạn dùng kềm bấm dập phía dưới bầu đất, cẩn thận đừng bấm ngược nhé. Đây là thủ thuật đúc kết từ kinh nghiệm. Nhớ tưới giữ ẩm, tránh không để bầu đất khô. Sau khi bấm dập khoảng 30-45 ngày có thể cắt khúc tiêu đó xuống trồng. Trồng chừng 4-5 mắt rễ khỏi tốn công đôn tiêu.
Khi trồng, phải che chắn bằng lá chuối khô hay bao bì gì đó để ngăn ánh nắng trực tiếp trong vòng 20 ngày đầu và tháo dần sau 1 tháng. Để cây không bị sock nên trồng vào lúc chiều mát. Với phương pháp nhân giống này, có thể trồng tiêu quanh năm…
Kỹ thuật nhân giống cây hồ tiêu
Bó chiết lươn thòng, bấm dập ngược so với chiết ác.
Kỹ thuật nhân giống cây hồ tiêu
Bó chiết tiêu ác. Cây tiêu chiết mới 4 tháng tuổi, được chiết lại để nhân giống thêm.                                                                            
Theo giatieu.com

1 nhận xét:

  1. cho tôi hỏi bông hồ tiêu nhỏ bé làm sao côn trùng thụ phấn được vậy

    Trả lờiXóa