“Đệ nhất tiêu” miền Đông


Là một trong những hộ trồng tiêu sớm nhất trên địa bàn tỉnh, có thời điểm tiêu bị thất mùa te tua nhưng vườn nhà ông Hoàng Văn Lập, ấp Trường An, xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) vẫn bình an vô sự, thậm chí còn cho năng suất cao… Hiện mỗi vụ tiêu ông thu lợi nhuận nửa tỷ đồng.
Tưới tự động
Vượt qua đoạn đường dài hun hút, băng qua nhiều địa bàn xã vùng sâu chúng tôi tìm tới khu vực giáp ranh lòng hồ Trị An, một trong những vùng chuyên canh tiêu của tỉnh. Lúc đầu, ghé hỏi thăm đến nhà ông Sầu trồng giống tiêu kháng bệnh thì chúng tôi được mách, ông Hoàng Văn Lập mới là nổi tiếng trồng tiêu sạch. Nghe vậy, chúng tôi quyết định chuyển hướng đi tìm nhà ông.
Chủ vườn Hoàng Văn Lập hào hứng kể về cơ duyên ông đến với “nghiệp vườn” cũng thật tình cờ: “Sau giải phóng gia đình ông chuyển từ Nam Định vào miền Tây sinh sống, từ đó ông bắt đầu được tiếp cận với nghề vườn. Năm 1983, gia đình chuyển về khu vực lòng hồ Trị An lập nghiệp, sau ít năm được nhà nước chuyển đổi đất canh tác bố trí cho các hộ dân lên khu vực này định cư.
Về đây, thời đó hầu hết xung quanh chỉ toàn là vườn tạp, tìm hiểu thấy thị trường tiêu đang rất “ngon”, giá cao hơn hẳn so với nhiều loại cây trái khác nên tôi quyết định đầu tư vào trồng loại cây này. Lúc đầu, nhiều người quanh xóm cứ lắc đầu bảo đất này trồng mía thì mía chết, trồng mì thì mì hư, trồng tiêu chỉ có… tiêu tiền của, công sức chứ mấy đời có được hạt”.
Ấy vậy mà ông vẫn bỏ ngoài tai quyết tâm dọn vườn để xuống giống tiêu (giống Vĩnh Linh) trồng xen với cà phê trên diện tích 1.500 m2. Tuy nhiên, sau khi thấy thị trường cà phê không ổn định, tính toán giá bán không đủ tiền vốn đầu tư nên ông quyết định đốn hết cà phê chỉ để trồng chuyên canh tiêu. Sau một năm, vườn tiêu nhà ông đã bắt đầu cho trái, nhưng do mới bước vào “nghiệp tiêu” nên còn non kinh nghiệm khiến vụ đầu tiên thu hoạch cả vườn chỉ được chưa đầy 100 kg hạt.
Năm 2008, khi được đi tham quan học hỏi kỹ thuật từ các mô hình trồng tiêu ở nhiều nơi, ông Lập về quyết định đầu tư cải tạo nâng cấp vườn, lắp đặt thêm hệ thống tưới nhỏ giọt cho vườn. Và ông chính là nhà vườn đi tiên phong trong toàn xã về áp dụng TBKT vào canh tác nên được xã khuyến khích hỗ trợ 20% kinh phí đầu tư.
Từ đó ông tự nghiên cứu, rồi ra chợ tìm mua các vật dụng về thiết kế và lắp đặt hệ thống tưới tự động khép kín đến từng gốc tiêu. “Lúc đó, nhiều loại “linh kiện” tìm mua cũng không dễ, tôi vừa phải mày mò làm vừa rút kinh nghiệm để hoàn chỉnh được các khâu lắp đặt hệ thống tưới sao cho vừa tiết kiệm mà đạt hiệu quả tối ưu nhất”, ông Lập tâm sự.
Dẫn chúng tôi ra vườn tiêu, thời điểm này các trụ đang ra trĩu trịt trái, mặt vườn được trồng kín cây hoa cúc như một tấm thảm cỏ xanh mướt. Ông Lập hào hứng khoe: “Những vòi phun nước rất nhỏ gọn, tôi thiết kế chạy ngầm khắp trong vườn, kể cả việc bón phân cũng đều qua đường ống này dẫn đến từng gốc tiêu rất hiệu quả và không gây lãng phí”.
Trước đây ông phải tốn rất nhiều công kéo dây tưới mất 3 ngày mới xong toàn bộ vườn tiêu, nhưng nay có hệ thống tưới thì mỗi ngày chỉ mất chừng 10 tiếng chạy điện cho vòi tự động phun là “Ok”. Còn việc bón phân qua đường ống cũng tiết kiệm được hơn phân nửa lượng phân so với SX thủ công.
Trồng tiêu siêu lợi nhuận
Theo ông Lập, trước đây ông thường quen chăm sóc vườn tiêu theo phương pháp cũ, vào mùa mưa cây hay bị bệnh nên ông phải thường xuyên phun xịt như… đổ thuốc sâu xuống vườn. Mỗi năm phải tốn trên 30 triệu đồng tiền thuốc BVTV nhưng cũng chẳng mấy hiệu quả. Nhiều đêm trăn trở với vườn tiêu bệnh, ông chẳng yên giấc và quyết định sẽ thử làm theo cách riêng của mình.
Đó là thời điểm khi cây tiêu vừa thu hoạch xong, ông cho xiết nước, cũng không cần bón phân ngay để cây tiêu sẽ “buồn” (khát nguồn dinh dưỡng), rồi thỉnh thoảng chỉ phun mớm cho ít nước. Theo ông, việc hãm phân nước như vậy sẽ khiến cây tiêu càng “tức” và chỉ đợi đến đầu mùa mưa mới bón thúc vào gốc tiêu để giúp bộ rễ phát triển mạnh; đồng thời đem thuốc khử tuyến trùng xử lý trên toàn vườn rẫy.
Khi cây tiêu được bồi bổ nguồn dinh dưỡng sẽ hồi tỉnh lại và bắt đầu bung đọt non rất mạnh. Vậy nhưng, thêm lần nữa ông lại mạnh dạn cắt bỏ toàn bộ những đọt tiêu non này để khoảng 2 tuần sau các chồi đọt non mới lại tua tủa bung ra và cho nhiều bông hơn.
Ông Lập cười bảo: “Với cách này được xem như “bí quyết” mà chỉ riêng tôi mới dám thử cách làm không giống ai. Thậm chí, không chỉ riêng vợ con tôi khóc ròng quyết liệt ngăn cản mà nhiều chủ vườn tiêu trong xã cũng bảo tôi khùng mới làm thế, vì cây tiêu vừa nhú đọt non ra thấy tôi lại cắt trụi”.
Tuy nhiên, vườn tiêu vẫn phát triển tốt, ít sâu bệnh, cuối vụ năng suất trung bình đạt 7 tấn/ha; thậm chí có thời điểm đạt tới 7,5 - 8 tấn/ha (trong khi năng suất tiêu trong tỉnh cao nhất cũng chỉ đạt 5 tấn/ha) khiến nhiều người không tin là sự thật.
Thực tế, chỉ sau năm đầu ông Lập chứng minh được cách làm khác người của mình đã giúp vườn tiêu có siêu lợi nhuận với khoảng 500 triệu đồng/năm. Từ những vụ tiêu thành công cho năng suất sản lượng cao khiến các hộ khác luôn xem đây là mô hình vườn mẫu. Không ít lần ông đã được mời lên xã, huyện báo cáo thành tích và chia sẻ kinh nghiệm cho người dân quanh vùng học hỏi nhân rộng mô hình.
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

0 comments: